Nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng

Nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng

(GD&TĐ) - Sáng nay 26/3, tại Hà Nội Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, 17 năm giải thưởng “Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – Vifotec” và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các đơn vị có thành tích về chỉ đạo, tổ chức và phối hợp tổ chức, đạt thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hoạt động NCKH trong sinh viên giai đoạn 2000 - 2010. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, đại diện lãnh đạo Hội Sinh viên Việt Nam, Quỹ Vifotech, lãnh đạo các trường đại học trên cả nước cùng đông đảo những sinh viên đã đoạt giải cao qua các kỳ. 

Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại hội nghị
 Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại hội nghị
 Tham dự Hội nghị có đại diện các trường đại học trên toàn quốc
Tham dự Hội nghị có đại diện các trường đại học trên toàn quốc

Tổng kết 20 năm tổ chức xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và 17 năm “Giải thưởng sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – Vifotech” cho thấy: Nghiên cứu khoa học là sức sống của một trường đại học, việc NCKH không những củng cố kiến thức đã học mà còn phát huy tính năng động, sáng tạo trong tiếp cận các vấn đề khoa học, khám phá các giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết những vấn đề đáp ứng nhu cầu thực tế. Thông qua NCKH, sinh viên sẽ tạo cho mình khả năng làm việc độc lập, thói quen  nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập và công tác sau này. NCKH sẽ thực sự trở thành nguồn động lực, gây dựng những ước mơ, hoài bão để sinh viên trở thành những cán bộ khoa học tương lai.

Thứ trưởng Trần Quang Quý trao bằng khen cho các đại học mạnh về NCKH trong sinh viên
Thứ trưởng Trần Quang Quý trao bằng khen cho các đại học mạnh về NCKH trong sinh viên

Qua 20 năm tổ chức xét và trao tặng giải thưởng, số lượng sinh viên tham gia NCKH ngày càng tăng và chất lượng các công trình dự thi ngày càng được nâng cao. Nếu năm đầu tiên (1990) Bộ GD&ĐT xét và trao tặng giải thưởng chỉ có 18 đơn vị tham gia với 62 công trình dự thi thì năm 2009 đã có 98 đơn vị tham gia dự thi với 653 công trình. Điều này cho thấy Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” đã được dư luận xã hội và sinh viên, các nhà trường và doanh nghiệp đánh giá cao, đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. 

 Bộ GD&ĐT đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể đã chung tay làm nên thành công này
Bộ GD&ĐT đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể đã chung tay làm nên thành công này

Giải thưởng “Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – Vifotech” do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Việt Nam lập ra nhằm khuyến khích các tài năng trẻ trong sinh viên NCKH cũng đem lại nhiều giá trị tích cực. Nhiều sinh viên đoạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và giải nhất “Giải thưởng Vifotech” đã được cấp học bổng đi học ở nước ngoài. Trong đó nhiều bạn đã tiếp tục phát triển các đề tài của mình sau khi ra trường và đem lại hiệu quả cao cho xã hội. Giải thưởng đã có tiếng vang trong nước và quốc tế.

Đánh giá về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tại các trường đại học, học viện trong giai đoạn 2000-2009, các tham luận đều khẳng định có được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, lãnh đạo các nhà trường. Đặc biệt Bộ GD&ĐT đã thường xuyên chỉ đạo bằng các chủ trương, chính sách và các văn bản hướng dẫn thích hợp, từng bước được đổi mới và hoàn chỉnh nhằm động viên khuyến khích, nâng cao chất lượng hoạt động NCKH của sinh viên.

 Học viện Cảnh sát nhân dân, một trong những trường có phong trào NCKH mạnh trong sinh viên
Học viện Cảnh sát nhân dân, một trong những trường có phong trào NCKH mạnh trong sinh viên

Trao đổi kinh nghiệm về quản lý và tổ chức triển khai hoạt động NCKH của sinh viên tại trường mình, PGS.TS Nguyễn Đình Đức (Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) đưa ra 6 bài học kinh nghiệm đem đến thành công của trường. Để phong trào sinh viên NCKH được nhân rộng và hiệu quả hơn, ông kiến nghị các cấp lãnh đạo và các thầy cô giáo nên dành thời gian hơn nữa cho việc bồi dưỡng các sinh viên tập sự nghiên cứu thông qua các phong trào NCKH của sinh viên.

Đại học Lạc Hồng là trường đại học ngoài công lập, có đầu vào tuyển sinh chỉ ngang với điểm sàn nhưng phong trào sinh viên NCKH đã đem lại kết quả cao mà đỉnh điểm là sự kiện Đại học Lạc Hồng giành chức vô định Robocom năm 2010. TS. Nguyễn Văn Tân (ĐH Lạc Hồng) cho rằng để làm được điều đó cần phải có nhiều hình thức khuyến khích sinh viên tham gia. Như trường ông, xã hội hoá công tác NCKH được đẩy mạnh, trường đã ký hợp đồng với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên tới làm quen với nghiên cứu khoa học tại doanh nghiệp, sinh viên được doanh nghiệp trả lương cho những giá trị mình đem lại.

Đại diện cho sinh viên, bạn Trần Anh Tuấn – sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, giải nhì sinh viên NCKH năm 2008, từ thực tế đã đưa ra kiến nghị nên ứng dụng công nghệ thông tin trong NCKH sinh viên. Nhiều tham luận của các đại biểu thể hiện những tâm huyết, đề xuất định hướng và các biện pháp quản lý nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động NCKH của sinh viên trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Quang Quý và các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên giai đoạn 2000-2010.
Thứ trưởng Trần Quang Quý và các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên giai đoạn 2000-2010.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao kết quả giải thưởng đã làm được trong 20 năm qua, quy mô phong trào NCKH ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, góp phần trang bị, hoàn thiện kiến thức cho sinh viên, phát huy tính năng động, sáng tạo, khám phá, tiếp cận các vấn đề khoa học. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà trường, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý. Thứ trưởng khẳng định: Trường đại học mà không đẩy mạnh các hoạt động NCKH thì khó có thể nói tới chất lượng được. Để các hoạt động NCKH trong thời gian tới đem lại kết quả cao, Thứ trưởng chỉ đạo cần thực hiện 9 nhịêm vụ đã được Bộ GD&ĐT đưa ra trong giai đoạn 2011 - 2015. Các trường cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, tăng cường xã hội hoá các hoạt động NCKH để khắc phục tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất cho nghiên cứu. Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan cũng cần tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các nhà trường cải thiện điều kiện nghiên cứu. Đề nghị các giảng viên cho sinh viên của mình tham gia nhiều hơn vào các công trình nghiên cứu của mình.

Yên Thuý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.