Nghịch lý về nhu cầu việc làm và tuyển sinh học nghề

GD&TĐ - Mặc dù học sinh sinh viên (HSSV) các trường nghề ra trường có tỷ lệ việc làm cao, nhưng công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn gặp nhiều khó khăn. Đây là một mâu thuẫn rõ ràng trong đào tạo gắn với thị trường lao động hiện nay. Thực trạng này đang cần những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Nghịch lý về nhu cầu việc làm  và tuyển sinh học nghề

Nhiều việc làm, ít người học

Ông Phạm Đức Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy - Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tổng hợp báo cáo của 63 Sở LĐ-TB&XH, tính trung bình, năm 2016 tỉ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề TCN có việc làm đạt trên 70%. Các nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ có số lượng HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỉ lệ cao. Cụ thể, nghề Hàn 92%, Điện công nghiệp 88%, Cắt gọt kim loại 86%, Công nghệ ô tô 82%, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí 80%.

Thu nhập của học viên qua đào tạo nghề mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên CĐN sau khi tốt nghiệp là 4,2 triệu đồng/tháng; học sinh TCN là 3,6 triệu đồng/tháng. Một số nghề có mức lương khá cao như Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu đồng); Vận hành cần, cẩu trục (4 - 7 triệu đồng)...

Mặc dù HSSV các trường nghề ra trường có tỷ lệ việc làm cao, nhưng công tác tuyển sinh GDNN vẫn còn nhiều khó khăn. Cá biệt, có 8 tỉnh tuyển sinh được dưới 100 sinh viên CĐN, trong đó có 4 tỉnh “trắng” tuyển sinh ở trình độ CĐN là: Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum.

Công tác tuyển sinh tại 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020 cũng gặp không ít khó khăn. 4/45 trường CĐN, TCN tuyển được trên 2.000 học sinh sinh viên; sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng chỉ có 2/45 trường tuyển được trên 10.000 người; 6/45 trường tuyển được từ 5 - 10.000 học viên. Thậm chí, có một số nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm tuyển sinh trình độ CĐN, TCN nhưng tuyển sinh được ít, hoặc đến mức không tuyển sinh được như: Khảo sát địa hình, bảo vệ môi trường biển, cơ điện lạnh thủy sản...

Phát huy cơ chế tự chủ

Về những khó khăn trong tuyển sinh đào tạo nghề hiện nay, ông Phạm Đức Thắng cho rằng, nguyên nhân do công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề chưa được thực hiện tốt theo yêu cầu của Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT cũng chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ sở có năng lực đào tạo còn hạn chế, cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư. Nhiều DN chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động. Một bộ phận xã hội chưa nhận thức đúng đầy đủ về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội, cơ chế tự chủ trong hoạt động GDNN, nhất là tự chủ về tuyển sinh, đào tạo và tự chủ về tài chính đang tạo ra nhiều thách thức cho các trường nghề. Để đảm bảo được tồn tại và phát triển nhà trường, đòi hỏi hiệu trưởng các trường phải rất năng động. Các cơ sở GDNN phải tạo ra cơ chế để vận hành như là doanh nghiệp. Chủ động đến với thí sinh, tuyên truyền và tư vấn cho cho các em lựa chọn đúng ngành nghề mà hiện nay xã hội đang cần để các em học xong có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời chủ động hợp tác với doanh nghiệp để giải bài toán việc làm cho học sinh sinh viên.

Thúc đẩy các giải pháp tuyển sinh học nghề hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cơ sở GDNN cần duy trì tốt mối quan hệ với học sinh, sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu về việc làm và ý kiến phản hồi về chất lượng đào tạo. Liên hệ với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp… Tiếp tục phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề. Các cơ sở GDNN cần phối hợp với các trường THCS và THPT; tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ