Cảm thụ văn học:

Nghĩa tình từ bom đạn chiến tranh

GD&TĐ - Nghĩa tình ngân vang trong truyện ngắn “Đồng đội” của tác giả Trương Thị Thúy in trên Báo GD&TĐ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ ngàn xưa, chiến tranh luôn mang đến cho người đời nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ở đó, nước mắt nhiều hơn nụ cười, nỗi đau dai dẳng những nỗi đau, nhiều vết thương đến lúc hòa bình vẫn luôn âm thầm rỉ máu. Song, cũng từ bom đạn chiến tranh, tình đồng chí đồng đội cao đẹp sẽ còn thơm mãi. Nghĩa tình đó ngân vang trong truyện ngắn “Đồng đội” của tác giả Trương Thị Thúy in trên Báo GD&TĐ, số thứ Hai, ra ngày 20/12/2021. Tôi nghĩ, đây là một bản hòa ca về nghĩa tình đồng đội thiêng liêng xúc động trái tim.

Nhà giáo đam mê viết

Trương Thị Thúy sinh năm 1985, quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, chị đang là giáo viên tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Gắn với nghiệp cầm phấn, song Trương Thị Thúy thích viết, yêu viết. Bắt đầu sáng tác từ năm 2014, cho đến nay chị đã có những tản văn và đặc biệt là nhiều truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí.

Đọc những truyện ngắn của chị: Ba còn có con; Lỡ hẹn; Trong nhờ, đục chịu; Mẹ chồng; Đi qua buồn đau; Chiếc áo ấm... Tôi nhận thấy một giọng điệu truyện ngắn riêng, nhẹ nhàng, tình cảm mà sâu nặng tình đời, tình người, luôn trăn trở nghĩ suy về số phận con người trong cuộc sống bình dị đời thường. Truyện ngắn của Trương Thị Thúy thường hướng đến những cái kết cổ tích, chị mong nhân vật của mình đi qua nhọc nhằn, đắng cay sẽ có được những ngọt ngào, hạnh phúc. Âu cũng là một ước nguyện nhân văn của trái tim ấp áp tình người.

Chiến tranh tàn khốc

Truyện ngắn “Đồng đội” được Trương Thị Thúy mở đầu bởi không gian chiến trường, ở đó ranh giới giữa sự sống và cái chết trong gang tấc, súng đạn sẽ lấy đi tính mệnh của người ta bất cứ lúc nào. “Trận đánh kéo dài từ tờ mờ sáng cho tới quá trưa. Ai cũng mệt. Mọi người nằm vật cả ra, mặt ai cũng bám đầy bụi đất. Mùi thuốc súng ám cả vào quần áo, vào da thịt, vào tóc tai vảng vất. Có khi nửa đêm giật mình cũng khạc lửa, giấc ngủ chập chờn hoảng hốt...”.

Theo lời của nhân vật ông Lãm, một thương binh, đồng đội của ông Tùng, người lính trinh sát thuở nào, mỗi lần nhớ lại những năm tháng khốc liệt, người lại nổi hết da gà lên, “gai gai, ám ảnh mãi”. Đúng thật, dõi theo câu chuyện, người đọc không khỏi xót đau bởi hậu quả của chiến tranh. Ở đó, người lính trước ngày ra trận chẳng dám ngỏ lời thương cô bạn cùng lớp bởi “biết có còn trở về, người ta lại khổ vì chờ mong”; người lính ra trận, nơi hậu phương là mẹ già con dại khắc khoải chờ mong.

Chiến tranh tàn phá xóm làng, “trong một lần vào làng lùng sục Việt Cộng, chúng đã điên cuồng giết hết cả làng. Cả làng, hàng trăm con người bị chúng lùa lại, xả súng, ném lựu đạn. Chết cả, chết sạch. Làng chỉ còn là một bãi hoang tàn, nhà cửa cháy, xác người, xác lợn gà la liệt khắp nơi...”. Thảm khốc, thương đau! Phần đầu truyện, qua dòng hồi ức của nhân vật ông Lãm, ám ảnh chiến tranh đọng lại quả thật ghê gớm.

Song, cái tài của người viết là trên cái nền hiện thực đó, người đọc sẽ tìm được ánh sáng ấm áp tỏa ra từ tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. Thế nên, câu chuyện về nghĩa tình của những người lính mà Trương Thị Thúy kể mang đến cho người đọc cảm xúc, ấn tượng khó quên.

Truyện ngắn “Đồng đội” của Trương Thị Thúy trên Báo GD&TĐ.

Truyện ngắn “Đồng đội” của Trương Thị Thúy trên Báo GD&TĐ.

Tình nghĩa mãi còn thơm

Chiến tranh đi qua, nghĩa tình đồng đội còn thơm mãi. Bởi thế, đọc truyện của Trương Thị Thúy, tôi thực sự xúc động trước ân tình cao đẹp mà những người lính dành cho nhau, trong bom đạn chiến tranh và khi trở về cuộc sống đời thường.

Điểm nhấn trong câu chuyện là khoảnh khắc sinh tử nơi chiến trường, và từ giây phút sinh tử đó, tình nghĩa sẽ đơm hoa. Nghịch cảnh lột tả phẩm chất người, dõi theo phần đầu câu chuyện, qua lời kể ngôi thứ nhất, người đọc bị hút theo một tình thế cam go sau: “Trong một trận quần nhau với địch, Trung đã đẩy nhanh tôi (Tùng) lao về phía hố cá nhân được đào khuất sau một lùm cây bùm sụm khi phát hiện một tên địch rất gần đang rút chốt lựu đạn... Trung đã che cho tôi. Anh ấy bị mảnh lựu đạn cắt ngang bụng...”.

Vậy đấy, tình đồng chí đâu phải chỉ có “đêm rét chung chăn”, “súng bên súng đầu sát bên đầu”, tuyệt vời hơn, đó còn là sự chở che, sẵn sàng chết cho đồng đội được sống. Cao đẹp và thiêng liêng! Giữa nguy nan vẫn ấm tình đồng đội. Trung hi sinh sau khi đỡ cho đồng chí của mình mảnh lựu đạn.

Đọc truyện, người ta ám ảnh mãi giây phút cuối cùng của người lính dũng cảm, Trung trao lại cho đồng đội (Tùng) tấm ảnh vợ con và nói lời trăng trối, “cậu có thể...”. Câu văn bỏ lửng, người đọc nghẹn lòng, xót thương, cảm phục. Thương người lính hi sinh để lại con thơ, cha mẹ già cui cút, phục hành động xả thân vì đồng đội quên mình. Tôi tin, trong sâu thẳm trái tim người lính can trường đó, tình nhà nặng sâu nhưng tình đồng chí lại càng sâu nặng. Tình nghĩa đẹp đó ánh lên ngay giữa chiến trường ác liệt.

Cuộc đời đẹp biết bao khi người ta mang ân tình, đáp lại ân tình. Trong truyện ngắn “Đồng đội” của Trương Thị Thúy, người đọc biết ơn hành động đẹp của ông Trung bao nhiêu lại càng trân trọng cách ứng xử của ông Tùng bấy nhiêu. Thay đồng đội “thực hiện trách nhiệm của người con, người cha”, ông Tùng thực sự đã lấy nghĩa đáp tình. Sự đời, không ít kẻ “qua cầu rút ván”, sự việc chưa qua ân nghĩa đã vơi. Thế nên, việc ông Tùng thực hiện di nguyện của đồng đội, thật tuyệt, rất đáng quý.

“Đồng đội”, ngay từ nhan đề, người viết đã mở ra cho người đọc suy ngẫm. Truyện kể về những người lính, họ cùng vào sinh ra tử, gắn kết nơi tuyến đầu bởi lí tưởng, tình cảm cao đẹp. Sau trận chiến cam go, người lính bên nhau cùng chia sẻ buồn vui, nào chuyện thương cô bạn cùng lớp mà không dám ngỏ, bởi “chiến tranh biết có trở về, sợ người ta lại khổ vì chờ mong”; nào chuyện vợ con, gia đình, bên báng súng là nụ cười chiến sĩ, chia sẻ buồn vui.

Tất cả, góp nên tình đồng chí, tình cảm đó mang theo nơi chiến trận, và cả khi về già. Đọc truyện “ Đồng đội”, cuộc hội ngộ của ông Lãm và ông Tùng sau bao tháng ngày xa cách để lại thật nhiều cảm xúc. Thêm một lần nữa, người ta hiểu về tình đồng chí đậm sâu. Theo lời mời của Dũng, người đàn ông trung niên, người được ông Tùng chăm lo, con ruột Trung, ông Lãm hăm hở nhận lời về nhà đồng đội chơi.

Chuyến đi mang theo sự hào hứng, chờ mong. Giây phút hai ông gặp ngỡ như một thước phim quay chậm. “Ông Lãm bước xuống xe, chiếc ba lô khoác lệnh một bên vai. Ông đi vào cổng, rồi vào sân. Bỗng ông đứng khựng lại, chiếc ba lô tuột khỏi vai khi nhìn thấy người ngồi tựa lưng bên hiên cửa. Mặc dù là chuyến đi đã định trước, dù biết sắp gặp ai, ông vẫn không nén nổi niềm xúc động đang dâng trào.

Ông đứng, giơ hai tay ra, ngực hơi ưỡn về phía trước, gọi lớn: Tùng! Tùng ơi! Lãm đây! Cả hai ôm chầm lấy nhau, lắc qua lắc lại. Những giọt nước mắt vui mừng lăn nhanh, rơi xuống bờ vai nhau”. Đọc đoạn văn, người ta cứ ngỡ như một hoạt cảnh, chân thực cảm động. Đồng đội cũ gặp nhau trong niềm hạnh phúc chan hòa. Một thời vào sinh ra tử, còn gì vui hơn khi gặp người xưa, ôn lại kỉ niệm, kể cho nhau nghe về vợ con, gia đình.

Trong niềm vui gặp gỡ đó, câu nói của ông Tùng khi ngước nhìn tấm hình đen trắng của đồng đội trên bàn thờ cảm động xiết bao: “Cậu về nói chuyện với chúng mình cho vui”. Hư thực xóa nhòa, chỉ còn lại tình nghĩa. Tôi chợt nghĩ đến chi tiết, “trên bàn thờ, hình ảnh ông Trung như đang cười”, cái cười mãn nguyện được đền đáp ân tình.

Tình đồng chí thiêng liêng, trọn vẹn trước sau. Xoay quanh câu chuyện của ba người lính ông Trung, ông Tùng, ông Lãm, người đọc nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn những người lính, xưa và nay, quá khứ và hiện tại, ở họ vẫn sáng lên phẩm chất anh hùng bên cạnh những trái tim mang nặng nghĩa tình. Câu chuyện về những người đồng chí cùng vào sinh ra tử, cứ vậy lấp lánh bởi cái nghĩa cái tình. Thì ra, đạn bom có thể lấy đi sinh mệnh con người, song từ hiện thực thảm khốc đó, tình nghĩa sẽ còn tỏa ngát hương thơm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vài điểm nhấn về nghệ thuật

Kết cấu của truyện gồm bốn phần, đan xen giữa hồi ức về quá khứ và chuyện ở thực tại. Diễn biến cốt truyện xoay quanh một số sự việc, có thể tóm lược một cách dễ dàng: Nơi chiến trường năm xưa, Trung người lính đã có vợ con, đỡ lựu đạn cứu đồng đội của mình là Tùng, trước lúc mất, anh mong bạn thay mình chăm sóc vợ con, gia đình; sau chiến tranh, Tùng xin phép bố mẹ Trung ở lại gia đình làm nhiệm vụ của người con, người cha, vợ Trung đã mất trước đó, con trai của Trung lớn, lấy vợ làm ăn trên phố, ông Tùng ở nhà một mình, nhiều lúc buồn thiu chẳng có ai chuyện trò; rồi chuyện Dũng đi tìm đồng đội cho bố, ông Lãm đến thăm ông Tùng, ôn lại kỉ niệm một thời quân ngũ, đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng, lòng vui khôn tả. Từ cốt truyện tưởng như đơn giản như vậy, cái tài của người viết là chọn được phương thức kể phù hợp, tạo nên sức cuốn hút với người đọc.

Cái tài trong nghệ thuật truyện ngắn là người viết chọn được một tình thế đặc biệt, từ đó phát triển cốt truyện, khắc họa vẻ đẹp nhân vật. Với truyện “Đồng đội”, Trương Thị Thúy đã tạo nên một tình huống hành động giá trị: Trung che cho đồng đội Tùng quả lựu đạn từ tên địch trong tình thế cam go. Tình thế đó hướng câu chuyện đến phần trả nghĩa về sau, vẻ đẹp người lính được tô đậm, Trung gan dạ, hi sinh vì bạn; ông Tùng trọn nghĩa vẹn tình đền đáp ân sâu.

“Truyện ngắn giống như thứ nước hoa cô đặc” (Trương Hiền Lương). Với dung lượng vài ba trang, truyện ngắn “Đồng đội” của Trương Thị Thúy mang giá trị của “thứ nước hoa cô đặc” đó. Cốt truyện giản dị, số lượng nhân vật không nhiều, cái tài của người viết là dẫn người đọc trở về với hiện thực một thời, cảnh chiến trường nguy nan khốc liệt, ở đó là những trận chiến cam go, đặc biệt hơn, từ câu chuyện về những người lính, tác giả làm ngân vang vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội, nghĩa con người.

Chiến tranh đi qua, nghĩa tình còn mãi. Những người lính nơi chiến trận ngày nào, họ vẫn sống với kí ức về một thời vào sinh ra tử, sống với nghĩa tình trọn vẹn trước sau. Nghĩ về họ, lòng ta bất chợt rưng rưng, xin được cúi đầu với tấm lòng cảm phục, biết ơn sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ