Đó là những hành động đẹp của các đoàn viên, tình nguyện viên ở quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) như nhân lên những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống đời thường.
Nhân lên nghĩa cử cao đẹp
Đã hơn 1 năm nay, quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà (nằm trên đường Phan Bội Châu, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) trở thành một mái ấm gia đình của những người lao động nghèo, bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quán cơm không chỉ mang đến những suất cơm giá chỉ 2.000 đồng, mà ở đó còn có tấm lòng thơm thảo của những đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên đối với những thân phận cuộc đời khốn khó.
Theo chị Châu Thúy Quỳnh - cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, người phụ trách quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà, sau hơn 1 năm khai trương hoạt động, quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà đã mang hàng ngàn suất cơm giá 2.000 đồng cho người dân tại thành phố Quảng Ngãi. Đối với người dân tại một số tỉnh/thành khác, mô hình quán cơm xã hội không còn xa lạ với người dân lao động, nhưng đối với thành phố Quảng Ngãi thì đây là một mô hình mới. Với điều kiện kinh tế - xã hội của một địa phương còn khó khăn nên mô hình quán cơm xã hội được người dân phấn khởi đón nhận.
Chị Quỳnh cho biết: Quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà được ra đời xuất phát từ ý nghĩ mong muốn giảm bớt gánh nặng nỗi lo cuộc sống đối với các em học sinh - sinh viên nghèo, những bệnh nhân và người lao động nghèo trên địa bàn. Đồng thời, cụ thể hóa việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động bằng những hành động thiết thực. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã phát triển, nhân rộng mô hình quán cơm xã hội ở TPHCM đến với thành phố Quảng Ngãi; hằng ngày cung cấp 70 - 200 suất ăn đảm bảo “sạch - no - ngon”, giá chỉ 2.000 đồng/suất cho người dân địa phương.
“Gọi là quán cơm từ thiện nhưng mọi người đến đây không hề cảm thấy mặc cảm, mọi người đến với quán với tâm lý rất thoải mái, phấn khởi. Bởi đó là tấm lòng san sẻ, là sự sẻ chia, là sự quan tâm chân thành đối với những cuộc đời còn nhiều gian khó” - chị Quỳnh chia sẻ.
Ấm lòng người nghèo
Hành nghề mua bán ve chai từ nhiều năm nay, hằng ngày rong ruổi khắp trên đường chị Nguyễn Thị Chuyên chỉ kiếm được vài chục ngàn. Ngoài nuôi bản thân chị còn phải nuôi cha mẹ già không còn sức lao động. Cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Bởi vậy, đối với chị, mỗi ngày tích cóp, dành dụm thêm được vài ngàn đồng để lo cho cuộc sống thường ngày là rất đáng kể.
Từ ngày có quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà, chị Chuyên trở thành khách hàng quen thuộc của quán. Chị thành thật chia sẻ: Một bữa cơm trưa bên ngoài bây giờ cũng hơn 15.000 - 20.000 đồng, với nhiều người số tiền này không lớn, nhưng với những người lao động nghèo như chúng tôi số tiền này không hề nhỏ. Có quán cơm này đã đỡ đần ít nhiều cho cuộc sống chúng tôi.
Tuổi cao, sức yếu, bà Sương (60 tuổi, quê huyện Đức Phổ) một mình ra thành phố Quảng Ngãi đeo bám công việc bán vé số mưu sinh mấy năm nay. Mỗi ngày bà còng lưng đi bộ khắp các ngõ ngách thành phố mong bán được xấp vé số kiếm năm bảy chục ngàn lo cho cuộc sống. Hễ hôm nào bán được vé thì bà mới được ăn bữa cơm bụi tươm tất.
Ngày nào bán ế, bà chỉ ăn gì đó qua loa. Có hôm mãi không bán được vé, đến chậm, hết cơm, bà lại nhịn bữa. Tuổi già ăn uống thất thường nên chỉ mới bán vé số được vài năm sức khỏe bà yếu hẳn. Nhiều hôm đang đi làm, bà đột nhiên bị té xỉu, được người dân thương tình đưa vào nhà chăm sóc nên mới hồi tỉnh được. Bà cho biết, từ ngày có quán cơm, bà chỉ đi bán vé số dọc loanh quanh các con đường gần khu vực quán cơm. Đến giờ quán cơm mở cửa, bà đến xếp hàng mua phiếu vào ăn cơm.
“Đĩa cơm ở đây giá 2.000 đồng nhưng ngon lắm. Ngon không chỉ tươm tất, mà ngon bởi tấm lòng thơm thảo, ngon bởi tình cảm ấm áp mọi người san sẻ cho nhau”, bà Sương xúc động.