Những bức tượng đồng, tượng đất, thạch cao
Đứng im
Ngồi im
Và cả nằm im nữa
Mang dáng dấp con người
Trong mỗi hình hài có trái tim không?
Người ta dâng lễ vật cầu xin
Nhưng chẳng thấy pho tượng nào mở miệng
Chẳng cho ai điều người ta mong muốn
Cứ lặng thinh với bí hiểm xa mờ
Tôi lắng nghe
Trong những tiếng chuông chùa
Khúc từ bi lẫn với hồi ai oán
Có hình hài nào cõng giúp ta số phận
Có pho tượng nào đập hộ trái tim ta?
Phạm Hồng Oanh
Lời bình của Đặng Toán
Nhà thơ khác với mọi người ở chỗ, trước mỗi sự việc, hiện tượng của cuộc sống thường đưa ra những câu hỏi, mới thoạt nghe thì có vẻ ngu ngơ song ẩn chứa trong đó là những ngẫm ngợi, những suy tư mà người khác không nghĩ tới.
Phạm Hồng Oanh cũng vậy. Trong một lần vãn cảnh chùa, khi mọi người còn đang mải kính cẩn dâng lễ vật, xì xụp khấn vái, cầu xin trước những bức tượng im lìm thì tác giả lại băn khoăn: Liệu những pho tượng “mang dáng dấp con người” ấy, “trong mỗi hình hài có trái tim không?”.
Một câu hỏi mà ai cũng có thể trả lời được. Có điều, chỉ khi tác giả lên tiếng thì mọi người mới giật mình: Tại sao nhiều lúc ta lại có thể dễ dàng đặt trọn niềm tin vào những điều vẫn còn đang hư hư thực thực?
Tại sao ta lại cũng vội vàng cầu xin những thứ mà biết chắc không thể nào có được? Chẳng cái gì mình muốn mà đạt được một cách dễ dàng. Và nếu có điều đó, thì nó cũng nhanh chóng rời ta giống như lúc đến.
Phải chăng chính ta cũng đang thỏa hiệp với những điều “bí hiểm xa mờ” để rồi tự dối lòng mình, tự an ủi mình mà không muốn chấp nhận sự thật với một thái độ “lặng thinh” đáng trách!
Tác giả đã có những linh cảm phải nói là tinh tế: “Tôi lắng nghe/ Trong những tiếng chuông chùa/ Khúc từ bi lẫn với hồi ai oán”. Câu thứ ba như cặp tiểu vế đối với chữ “lẫn” được dùng khá đắc địa. Thì ra, nơi cửa Phật đâu phải chỉ toàn có từ bi.
Cũng như trong cuộc sống, mọi thứ thật khó mà phân định cho rạch ròi. Những buồn vui sướng khổ, hạnh phúc hay bất hạnh phần lớn do chính ta quyết định và nó sẽ luôn song hành cùng mỗi phận người, mỗi gia đình, rộng ra là cả xã hội.
Không một ai, không một thế lực siêu phàm nào có thể “cõng giúp ta số phận” hay “đập hộ trái tim ta”. Điều hiển nhiên ấy đáng tiếc thay vẫn còn khá nhiều người mơ hồ hay ngộ nhận.
Gọi là “nghĩ vụn” song những trăn trở, những suy tư mang tính chiêm nghiệm xuất phát từ thực tế của tác giả lại khá sâu sắc, thể hiện cá tính người thơ.
Phạm Hồng Oanh đã được độc giả đón nhận với những bài thơ lục bát nhuần nhị, đằm thắm mà sắc sảo, mang dáng dấp truyền thống, ắp đầy hơi thở đời sống hiện đại. Bên cạnh đó những tác phẩm được chị viết theo thể tự do vẫn khiến người đọc thích thú bởi giọng điệu, cách cảm, cách nghĩ rất riêng, ít bị trộn lẫn. Điều không phải người sáng tác nào cũng có thể làm được.