Răng bên trái được tìm thấy trong hang động ở Xujiayao. Răng bên phải thuộc về người hiện đại. Ảnh: BBC |
Dấu vết được tìm thấy trong một hang động ở vùng Xujiayao của Trung Quốc năm 1976, bao gồm một số mảnh xương sọ, 9 cái răng thuộc về 4 người. María Martinón-Torres cùng đồng nghiệp thuộc Trung tâm nghiên cứu tiến hóa con người ở Tây Ban Nha phân tích đặc điểm của chúng và so sánh với 5.000 mẫu răng đại diện cho các chủng người mà con người từng biết đến.
Những mẫu hóa thạch này không giống với răng của người thông minh H. sapiens. Chúng có một số đặc điểm nguyên thủy có thể giống người H. erectus hay Neanderthal. Một số phần xương khác được tìm thấy ở cùng địa điểm thì không giống với bất kỳ người nguyên thủy nào từng biết đến.
Tuy nhiên, Martinón-Torres vẫn ngần ngại trong việc tuyên bố rằng chúng thuộc về một chủng người mới. "Những gì chúng ta nhìn thấy thuộc về một nhóm người mới. Nó không phải H. sapiens và cũng không phải H. neanderthalensis. Chúng là sự pha trộn giữa thứ gì đó mang tính nguyên thủy mà chúng ta chưa biết. Nhưng chúng tôi không thể nói đây là một chủng mới vì vẫn cần nghiên cứu và so sánh với nhiều yếu tố khác", Martinón-Torres nói.
Trên thực tế, chúng có thể giống với chủng người từng tồn tại, thậm chí như Denisovans. Người Denisovans từng sống cùng thời chúng ta, nhưng lại có rất ít thông tin về họ. Hóa thạch duy nhất được tìm thấy trong một hang động ở Siberia, gồm hai cái răng và một mẩu xương ngón tay nhỏ.
Phân tích ADN chỉ ra chúng khác xa so với người Neanderthals và người hiện đại, nhưng có đặc điểm của cả hai. Mẫu răng ở Xuji cũng có điểm tương tự.
Cách đây khoảng 195.000 năm, người Homo sapiens hay còn được gọi là người thông minh bắt đầu xuất hiện ở châu Phi. Người Homo sapiens được coi là có quan hệ gần gũi nhất với người hiện đại ngày nay. Ảnh: Telegraph |
Ý kiến này không nhận được sự đồng ý hoàn toàn của giới chuyên gia. Darren Curnoe, nhà nghiên cứu Đại học bang New South Wales, Australia, nhận định mẫu vật có thể chứng minh cho sự hiện diện của một chủng người chưa được công nhận.
Trong khi đó, những người khác lại đồng tình với sự thận trọng của Martinón-Torres. Theo chuyên gia Matthew Skinner của Đại học Kent, Anh, hóa thạch ở châu Á khá ít ỏi, nên rất khó để xác định.
Các ý kiến khác cho rằng người Homo có thể là biến thể của một chủng người. Do đó, việc tìm thấy mẫu răng khác biệt không phải là điều ngạc nhiên. Theo giả thiết, nhiều khả năng có hơn một chủng người ở châu Á, thậm chí còn là tổ tiên của người châu Âu hiện đại.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng châu Phi là cái nôi của loài người, nên ý kiến này gây tranh cãi.