Nghi vấn Tenma trước sóng đầu tư

Vụ việc đang được điều tra làm rõ, nhưng dù phía Việt Nam chưa xác định, tai tiếng về tham nhũng có thể làm xấu xí hơn hình ảnh về môi trường đầu tư.

Theo công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản gần đây đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, để đổi lấy việc doanh nghiệp này không phải nộp khoản truy thu thuế 400 tỷ đồng. Công hàm cũng cho biết, Tổng Giám đốc Công ty, ông Fujino Kaneto người Nhật sẽ từ chức ngay sau Đại hội cổ đông dự kiến tổ chức tháng 6/2020 để chịu trách nhiệm về sự việc.

Thông tin trên khiến Chính phủ và dư luận rất bất bình. Thủ tướng yêu cầu điều tra về nghi vấn. Bộ trưởng Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan đình chỉ công tác các cán bộ hải quan tham gia đoàn kiểm tra ở Tenma. Bộ Công an vào cuộc, phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh để nắm tình hình và liên hệ với phía Nhật để trao đổi thông tin về sự việc.

Trong các bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019 vừa công bố đầu tháng Năm vừa qua, Bắc Ninh đã tụt hạng một cách tệ hại. Theo trang web của UNBD tỉnh, năm 2019 PAPI của Bắc Ninh xếp thứ 50/63 tỉnh, giảm tới 40 bậc so với năm trước, và nằm trong nhóm 16 tỉnh thành thấp nhất cả nước. Trong đó, chỉ số thành phần về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Bắc Ninh thuộc nhóm tỉnh có điểm số thấp nhất. 

Sau 4 năm liên tiếp nằm trong nhóm tỉnh thành có điểm số PAPI cao nhất, năm nay là một bước thụt lùi bất ngờ với Bắc Ninh. Khi nghiên cứu này được thực hiện, vụ Tenma chưa bung ra trên báo chí, nhưng kết quả điều tra được công bố gần như trùng với nghi vấn Tenma, đó là lời cảnh báo với Bắc Ninh, và với bất kỳ địa phương nào ở Việt Nam, về nguy cơ tham nhũng có thể làm xấu đi môi trường đầu tư.

Trước đây, cũng từng có 2 vụ hối lộ của các công ty Nhật Bản làm rúng động Việt Nam. Năm 2008 là vụ hối lộ 820.000 USD của Công ty PCI cho các quan chức TPHCM để thắng thầu dự án đại lộ Đông Tây sử dụng vốn ODA của Nhật.

Năm 2015 là vụ 6 cán bộ Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam nhận 16 tỷ đồng từ nhà thầu JTC Nhật Bản trong Dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.

Trong cả hai vụ này, sau thời gian điều tra, các quan chức Việt Nam liên quan đã bị đưa ra xét xử và chịu án tù. Việc xử lý nghiêm khắc như vậy đã giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư vốn bị suy giảm đáng kể sau mỗi vụ việc.

Sau dịch Covid-19, Việt Nam đang nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội với nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó có việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Dòng vốn đầu tư và công nghệ, bí quyết từ các nước là thứ Việt Nam rất cần để khắc phục hậu quả của khủng hoảng do dịch bệnh. Đang có một làn sóng đầu tư nước ngoài chuyển dịch sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Sự cạnh tranh đón nhận đầu tư với Việt Nam là rất khó khăn, bởi nước nào cũng muốn trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư sau dịch.

Chỉ hy vọng nghi án Tenma được làm rõ, sự thật được công bố, nếu có tham nhũng hối lộ xảy ra thì phải được xử lý minh bạch, nghiêm túc, có như vậy thì mới góp phần làm môi trường đầu tư Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm khó khăn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.