Ngày 28/3/2021, sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả cuộc thi KHKT cấp quốc gia, có thông tin phản ánh về dự án: “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh (HS) Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất - tương tự dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” cũng của HS Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình (đã ra trường) giành giải Nhất KHKT tỉnh Ninh Bình năm 2019.
Làm rõ vấn đề trên, ông Đinh Văn Khâm– Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau.
Minh chứng là: Giường I.o.T giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng Internet một cách linh hoạt để cho người bệnh ăn, uống, vệ sinh, di chuyển…
Còn Giường thông minh hỗ trợ người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể tự phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập phục hồi cả chân lẫn tay cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng (nhận diện khuôn mặt) để người bệnh tự chủ động điều khiển, giúp giải phóng sự vất vả của người chăm sóc;
Đồng thời hệ thống Giường thông minh còn có chức năng theo dõi và thông báo các thông số về sức khỏe của người bệnh cho người thân thông qua App do tác giả lập trình trên smartphone, máy tính bảng.
Đi vào so sánh dự án Giường I.o.T và Giường thông minh trên nhiều khía cạnh như: Tinh năng; Cấu tạo, Chương trình lập trình cũng cho thấy có sự khác biệt.
Cụ thể, về cấu tạo của Giường I.o.T (năm 2018 - 2019): Hệ thống được người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng Internet một cách linh hoạt để: Cho người bệnh ăn, uống, vệ sinh; Di chuyển giường đi lại chính xác và an toàn; Cảnh báo kịp thời nhịp tim về email cho người thân; Camera livestream tương tác truyền hình ảnh trực tiếp của người bệnh đến người thân.
Còn tính năng của Giường thông minh (năm 2020 - 2021) được ghi nhận: Thứ nhất: Tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói để tập phục hồi tay và chân, cử chỉ của khuôn mặt như há miệng để bật chức năng giải trí như nghe nhạc, nghe truyện (Tự bệnh nhân điều khiển, giải phóng sự vất vả và áp lực cho người chăm sóc)
Thứ hai: Có chức năng theo dõi và thông báo thông số sức khỏe như nhịp tim, khí thở cho người thân qua App do nhóm viết chạy trên smartphone, máy tính bảng.
Thứ ba: Sản phẩm có giá thành hợp lí, tiện dụng phù hợp cho nhiều gia đình có thể trang bị cho người thân của mình sử dụng.
Về cấu tạo: Giường I.o.T (năm 2018 - 2019) có khung giường bằng Inox, có bánh xe lăn gắn với động cơ để điều khiển điện giống như xe điện hơn là giường. Không có hệ thống tập phục hồi tay. Có camera để người chăm sóc theo dõi từ xa
Còn cấu tạo Giường thông minh có khung giường bằng Inox, chỉ có bánh xe cơ để đẩy giường di chuyển cho thuận tiện. Có cả hệ thống tập phục hồi tay và phục hồi chân; Có màn hình giải trí kết nối với hệ thống máy tính, có loa để nghe nhạc, nghe truyện, kết nối các kênh VTV khi bệnh nhân há miệng để điều khiển. Có camera kết nối máy tính để nhận diện cử chỉ khuôn mặt của bệnh nhân để chương trình xử lí và phát nhạc hoặc truyện…
Về chương trình lập trình Giường I.o.T (năm 2018 - 2019) dùng c++ lập trình cho chip và python cho máy tính nhúng để gửi thông tin về nhịp tim đến Email.
Còn chương trình lập trình Giường thông minh dùng java trong processing để lập trình xử lý nhận diện cử chỉ khuôn mặt. Dùng phần mềm kodular để lập trình kéo thả viết App theo dõi nhịp tim và oxy trong máu trên di động cài trên máy người nhà. Dùng c++ để lập trình chip điều khiển. Dùng python để viết chương trình nhận diện giọng nói của người bệnh khi người bệnh ra lệnh.
Với những so sánh rõ ràng cụ thể trên, có thể thấy: Giường I.o.T giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng Internet một cách linh hoạt để: cho người bệnh ăn, uống, vệ sinh, di chuyển…
Còn Giường thông minh hỗ trợ người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể tự phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập phục hồi cả chân lẫn tay cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng (nhận diện khuôn mặt) để người bệnh tự chủ động điều khiển giúp giải phóng sự vất vả của người chăm sóc;
Đồng thời hệ thống còn có chức năng theo dõi và thông báo các thông số về sức khỏe của người bệnh cho người thân thông qua App do tác giả lập trình trên smartphone, máy tính bảng.
“Hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau” – Ông Đinh Văn Khâm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định.