Nghi ngờ có gian lận, ông Trump kêu gọi ngừng kiểm phiếu lại ở Florida

GD&TĐ - Hôm 12/11 (theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các quan chức bầu cử Florida kết thúc việc kiểm phiếu lại và tuyên bố người của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử hồi tuần trước. Cùng lúc, cuộc đua vào chiếc ghế Thượng nghị sĩ gay cấn ở bang Arizona đã ngã ngũ với chiến thắng thuộc về đảng Dân chủ.

Cuộc đua ghế Thống đốc bang Florida giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Bill Nelson và ứng cử viên đảng Cộng hòa Rick Scott vẫn đang rất gay cấn và gây tranh cãi
Cuộc đua ghế Thống đốc bang Florida giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Bill Nelson và ứng cử viên đảng Cộng hòa Rick Scott vẫn đang rất gay cấn và gây tranh cãi

Đảng Dân chủ không lùi bước

Trước hết là câu chuyện ở Arizona. Đại diện đảng Dân chủ, Kyrsten Sinema, đã tuyên bố chiến thắng và đối thủ ở bên phía đảng Cộng hòa, Martha McSally, thừa nhận thua cuộc tại một trong những cuộc đua tranh cử gay cấn và kéo dài nhất ở đợt bầu cử giữa kỳ này của Mỹ. Sinema sẽ thay thế Jeff Flake, người của đảng Cộng hòa, giờ đây đã thành cựu Thượng nghị sĩ. Flake đã không tham gia tranh cử lần này, một trong những lý do lớn nhất là ông không ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Kết quả bầu cử ở Arizona sẽ không ảnh hưởng đến sự kiểm soát của đảng Cộng hòa đối với Thượng viện 100 thành viên. Đảng Cộng hòa đã giành được ít nhất 51 ghế và đảng Dân chủ có 47 ghế trong cuộc bầu cử, trong khi đó hai chiếc ghế Thượng viện còn lại ở bang Florida và Mississippi dù vẫn chưa ngã ngũ, nhưng dẫu đảng Dân chủ có giành được hết thì vẫn chưa đủ để vượt qua đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ.

Thực tế ở Florida, kết quả ban đầu cho thấy, thắng lợi đã thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hòa. Cuộc đua vào văn phòng thống đốc bang cũng cho thấy người của đảng Cộng hòa về đích trước. Thế nhưng sau hàng loạt lời kêu gọi, nhất là sự phản đối của phía đảng Dân chủ về tỷ lệ thua cuộc chỉ là 0,5 điểm phần trăm, trong khi họ nghi ngờ có nhiều lá phiếu chưa được xem xét đến, cơ quan bầu cử đã tiến hành kiểm lại phiếu bầu.

Phản ứng trước diễn biến này, ông Trump đã bày tỏ nghi ngờ có gian lận trong kiểm phiếu Thống đốc, dù ông không cung cấp bằng chứng. Ông cũng kêu gọi chấm dứt việc kiểm lại phiếu bầu Thượng nghị sĩ, mặc dù các quy tắc của tiểu bang cho phép các viên chức bầu cử chờ 10 ngày đối với những lá phiếu vắng mặt được gửi bởi cử tri đã đăng ký sống bên ngoài nước Mỹ, kể cả nhân viên quân sự đang hoạt động ở nước ngoài.

Tòa án đứng ngoài cuộc

Một cuộc kiểm tra bằng máy bắt đầu vào ngày 8/11, trong cuộc đua vào ghế Thống đốc Florida, giữa đương kim Thống đốc Rick Scott thuộc đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Hoa Kỳ Bill Nelson; song song đó là cuộc kiểm lại phiếu trong cuộc đua ghế Thượng nghị sĩ miền Bắc Florida giữa đảng viên Cộng hòa Ron DeSantis và đảng viên Dân chủ Andrew Gillum.

Đảng Cộng hòa đang chờ đợi chiến thắng chắc chắn và toàn diện, sau khi duy trì quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra hôm 6/11; trong khi đó, đảng Dân chủ đang nhắm đến mục tiêu giành thêm một ghế thống đốc, nhất là ở bang quan trọng như Florida. Mỗi bên đều lên tiếng cáo buộc đối thủ vi phạm nền dân chủ.

Hôm 11/11, Scott đã yêu cầu một thẩm phán vùng Broward County ban hành lệnh khẩn cấp kêu gọi thực thi pháp luật để tịch thu tất cả các máy bỏ phiếu, kiểm đếm thiết bị và phiếu bầu khi họ không được sử dụng cho đến khi kết thúc cuộc truy vấn và bất kỳ vụ kiện liên quan nào.

Thẩm phán Jack Tuter của Broward County, hôm 12/11 đã bác bỏ yêu cầu của Scott về lệnh khẩn cấp, thúc giục cả hai bên phải kiềm chế trong tuyên bố công khai của họ, trong bối cảnh tiểu bang đang tái diễn tranh cãi về kết quả bỏ phiếu và phải kiểm đếm lại, lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.

“Tôi đang thúc giục các bên vì tính chất công khai của vụ việc để làm giảm bớt sự tranh cãi” - Tuter nói - “Hãy đợi cho đến khi các lá phiếu được kiểm đếm hết và rồi mọi người sẽ có thời gian để kiện tụng”.

Trước các diễn biến đó, ông Trump tiếp tục lên tiếng phản đối và bảo vệ người của đảng mình, thông qua một kênh quen thuộc: Twitter. Thay vì kêu gọi các cơ quan nhà nước nghiêm túc và minh bạch với kết quả từ tổng số phiếu bầu, ông Trump lại cáo buộc rằng cử tri đã bị đánh lừa. Dẫu vậy, như thường lệ, ông không đưa ra bằng chứng nào về các cáo buộc của mình.

Khó có gian lận

Các nghiên cứu đã không tìm thấy bằng chứng về sự gian lận cử tri quy mô lớn ở Hoa Kỳ, mặc dù các tòa án đã tìm thấy bằng chứng thông qua lịch sử chính sách của quốc gia nhằm ngăn chặn bỏ phiếu của các dân tộc thiểu số. “Thực tế là không có bằng chứng gian lận” - Marc Elias, luật sư đại diện cho chiến dịch tranh cử của Nelson khẳng định - “Cả hai thẩm phán và các quan chức thực thi pháp luật nhà nước đã nói điều đó”. Về phần mình, Nelson hôm 12/11 đã yêu cầu Scott tái sử dụng vai trò của mình trong việc giám sát công tác kiểm phiếu lại.

Bộ trưởng văn phòng của tiểu bang Florida cho biết họ đã nhận được báo cáo rằng các quan chức bầu cử ở Bay County, một quận hạt thuộc đảng Cộng hòa với khoảng 183.500 người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Michael, cho phép một số cư dân bỏ phiếu bằng email và fax. Luật tiểu bang không quy định việc bỏ phiếu theo cách đó.

“Đội ngũ giám sát bầu cử được thành lập và hoạt động độc lập bởi các nhân viên tư pháp và trách nhiệm của mỗi người giám sát là tuân thủ theo luật pháp”, phát ngôn viên nhà nước Sarah Revell nói trong một email. Cơ quan thực thi pháp luật Florida cũng tuyên bố họ sẽ xem xét các cáo buộc về gian lận hình sự, vốn cáo buộc rằng họ không có điều tra tích cực về kết quả thực của cuộc bầu cử, được cho là đã mang lại thua thiệt trong lá phiếu của Scott. “Tôi muốn chắc chắn rằng, có một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chúng ta có luật pháp và tất cả phải tuân thủ luật pháp”, Scott tuyên bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ