Trong lễ tốt nghiệp vừa qua, Phan Tích Thiện là “bông hoa” sáng nhất trong hơn 1.400 tân cử nhân của Trường ĐH Văn Hiến bắt đầu “Vươn ra biển lớn” cuộc đời.
Tấm lòng của cô tiếp thêm nghị lực cho trò
Phan Tích Thiện bị khuyết tật não bẩm sinh nên em bị động kinh cục bộ, cả tay, chân, miệng đều “không nghe lời” chính bản thân mình.
Khi còn học phổ thông, em gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát âm. Nói chuyện thông thường với bạn bè cũng khó chứ chưa kể đến việc thuyết trình hay giao tiếp với giáo viên. Học hết lớp 12, việc phát âm cũng như viết chữ của Thiện vẫn không cải thiện được nhiều.
Mọi việc đều tốn rất nhiều thời gian. Do đó, cậu học trò không dám mơ đến việc sẽ hoàn thành chương trình đại học. Tuy vậy, nhờ sự động viên của cô giáo cũ, cô chủ nhiệm cũng như thầy hiệu trưởng ở trường phổ thông, Thiện quyết tâm thi đậu đại học.
Cả người quen lẫn người thân đều tin rằng, học đến đây (xong lớp 12) đã là một thành công ngoài mong đợi. Thế nhưng cậu học trò khiếm khuyết lại “quẳng” cho mọi người sự bất ngờ lẫn lo lắng. Giọng nói đứt quãng, Tích Thiện khẳng định chắc nịch: “Con phải vào đại học, không đi nhanh được như người thường, con có thể như rùa… bò đến đích”.
Năm 2015, Thiện đậu vào Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Văn Hiến và nhận học bổng toàn khóa của nhà trường. Sau 4 năm miệt mài cố gắng học tập, chàng sinh viên khuyết tật não đã chính thức trở thành cử nhân của trường.
Chứng kiến giây phút cậu học trò “đặc biệt” khoác lên mình bộ đồ cử nhân, cô Thúy Hồng (nguyên giáo viên Trường THCS Lạc Hồng - Q.10) cho biết: Cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Dù chỉ là giáo viên dạy môn phụ, mỗi tuần lên lớp một lần nhưng Thiện luôn là đứa học trò cô dành nhiều tình cảm và tâm huyết hơn cả.
“ Em bất hạnh nhưng luôn cố gắng và kiên trì. Không chỉ ngoan mà còn tình cảm. Bao nhiêu năm nay, cứ đến những ngày lễ hay dịp đặc biệt, em vẫn nhắn tin, điện thoại cho thầy cô. Đó là điều hiếm thấy…Trong thâm tâm tôi luôn có niềm tin rất mãnh liệt về Thiện, rằng em sẽ làm được điều mà mình ước mơ”- cô Hồng xúc động nói.
Bất ngờ gặp lại cô giáo cũ trong ngày vui tốt nghiệp, Tích Thiện đã không cầm được nước mắt, ôm chặt cô và òa khóc: “Cô ơi em đã làm được điều mà cô từng tin tưởng nơi em”.
Phan Tích Thiện xúc động khi gặp lại cô giáo cũ của mình |
Thiện cho biết dù cô không còn dạy em hơn chục năm và giờ cô cũng đã về hưu nhưng bao năm qua em vẫn thường xuyên liên lạc, tâm sự với cô giáo dạy công nghệ của mình. “ Mỗi cột mốc thành công hay thất bại của em đều có cô bên cạnh. Tấm bằng cử nhân ngày hôm nay em dành tặng cho cô như bó hoa đẹp nhất trong ngày vui 20/11”- Thiện nói.
Nghị lực của Thiện tiếp lửa cho nhiều thế hệ sinh viên Văn Hiến
Lớp xã hội học có đến gần 100 sinh viên và Thiện trải qua chương trình học tập như mọi người, không có bất kỳ sự ưu ái, châm chước nào. Khác biệt duy nhất chính là thầy cô hay bạn học, đều yêu quý em nhiều hơn một chút.
Để có thể đồng hành cùng với các bạn, hàng ngày Thiện phải cải thiện khả năng phát âm, nói và viết của chính mình. Ngoài việc luyện tập ở nhà, cậu sinh viên trẻ tham gia rất nhiều câu lạc bộ (CLB) tại trường, từ CLB MC đến CLB Đại sứ… Từ những cố gắng của bản thân, Thiện dần trở thành tấm gương truyền động lực cho nhiều sinh viên khác trong trường.
Thiện chia sẻ về những cố gắng của mình rằng: trước khi bắt đầu môn học mới, em thường có thói quen tìm hiểu kỹ, hỏi thăm kinh nghiệm học tập môn đó và lên mạng tìm kiếm tài liệu.
“Mỗi ngày qua đi, lòng tự trọng và sự chịu khó của Thiện làm bạn học phải ngưỡng mộ. Trải qua bốn năm kiên trì cùng nỗ lực, Phan Tích Thiện – thật sự khiến các bạn đồng môn như tụi em nể phục. Với nhiều người, học cử nhân, thậm chí là tiến sĩ có thể không khó nhưng với Thiện đó là một kết quả phi thường được đánh đổi bằng cả một quá trình có mồ hôi và nước mắt”- Thúy An tân cử nhân ngành Xã hội học nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy- Trưởng bộ môn Xã hội học của trường, cho biết: "Thay vì thi thì phần kết thúc các học phần của Thiện sẽ phải làm tiểu luận thay thế. Tôi khá bất ngờ về khả năng tư duy, diễn đạt ngôn ngữ của Thiện. Nói không rõ, viết chữ và đánh máy rất chậm nhưng Thiện tư duy sân sắc, nhiều ý tưởng và trình bày vấn đề mạch lạc. Đặc biệt, em có tính kỷ luật cao, chưa bao giờ quá hạn bất cứ tiểu luận nào".
Phan Tích Thiện bên bạn bè trong ngày vui tốt nghiệp |
Nhìn thấy những cái ôm siết chặt, những tiếng khóc vỡ òa của cô và trò, của những đền đáp sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của Tích Thiện, chúng tôi không cầm được nước mắt. Mong rằng, với niềm tin vào cuộc sống, nghị lực bền bĩ sẽ tiếp tục là động lực, chắp thêm đôi cánh tự tin để em bước chân vào đời, hướng ra biển lớn bằng chính khát vọng của bản thân.