Nghị lực của nữ sinh tật nguyền ở xã đảo Ngư Lộc

GD&TĐ - Sinh ra, lớn lên với đôi chân tật nguyền, cô bé không được đến trường tiểu học như các bạn. Em được mẹ đưa đến lớp học tình thương và cô bé lại học rất giỏi, rồi được đặc cách vào cấp 2. Giờ đây, nữ sinh Nguyễn Thị Thùy lại chuẩn bị bước vào giảng đường đại học.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy và mẹ.
Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy và mẹ.

Cô bé tật nguyền có gia cảnh éo le

Căn nhà cấp 4 lợp mái ngói, có diện tích chưa đầy 50m2 của gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thùy nằm sâu trong con hẻm ở thôn Nam Vượng (xã đảo Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là nơi sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình. Trong căn nhà nhỏ, đồ đạc được kê đặt khá ngăn nắp, gọn gàng, mặc dù không có nhiều tài sản đáng giá.

Trước mặt chúng tôi là một cô gái có khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt hiền từ, thông minh đang ngồi bên bàn học ở góc nhà. Thấy người lạ, cô nhanh nhảu cúi đầu chào và buông bút, rồi bò lại bàn lấy nước lọc mời khách.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy bên bàn học của mình tại gia đình.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy bên bàn học của mình tại gia đình.

Trong lúc trò chuyện, Thùy bảo rằng: “Mẹ sinh em ra nhưng không lành lặn như những người bình thường khác. Đôi chân của em cứ co quắp lại, không thể đứng dậy đi lại được. Vì thế, đến bây giờ, em cũng chẳng thể giúp mẹ làm thêm việc nặng kiếm tiền. Những lúc bố mẹ đi làm, em ở nhà học bài, quét dọn nhà cửa, phụ mẹ nấu cơm giặt quần áo thôi”.

Bà Bùi Thị Tới (52 tuổi) - mẹ của Thùy cho hay, Thùy là con gái út trong gia đình có 3 anh em. Năm 2005, bà mang thai bé Thùy. Ngày bà sinh hạ con gái, thấy đôi chân của con cứ co quắp lại, bà Tới thương con quá mà ngất lịm đi nhiều lần. Khi trấn tĩnh lại tinh thần, bà được bác sĩ bảo là, con gái bà bị khuyết tật từ trong bụng mẹ.

“Tôi nghe bác sĩ bảo, cháu bị nhau thai quấn chân, nên khi sinh ra không thể phát triển như bình thường. Cháu lại bị cứng đa khớp từ háng xuống hai chân. Mặc dù đôi chân của cháu vẫn có cảm giác bình thường, nhưng không thẳng được. Vì vậy, muốn đi lại phải có người bế hoặc cõng, hoặc cháu phải bò bằng hai tay và đầu gối”, bà Tới buồn rầu nói.

Tuổi thơ của cô bé Thùy chỉ bò quanh quẩn trong bốn bức tường, muốn ra đầu ngõ để nô đùa với các bạn trong xóm cũng chẳng được. Thương con lắm, nhưng vợ chồng bà Tới cũng chẳng còn cách nào khác, vì ông bà đang phải vật lộn hàng ngày để kiếm tiền lo cho 5 miệng ăn.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy quét tước nhà cửa giúp mẹ.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy quét tước nhà cửa giúp mẹ.

“Gia đình tôi khó khăn lắm. Bố các cháu quanh năm đi biển đánh cá thuê, có khi đôi ba tháng mới trở về nhà một lần. Còn tôi thì hàng ngày đi bóc vỏ tôm hay xẻ cá thuê cho các đại lý chế biến hải sản, kiếm ngày vài đồng để nuôi các con đang tuổi ăn học”, bà Tới tâm sự.

Bỏ qua tiểu học, lên thẳng cấp 2

Năm bé Thùy được khoảng 6 tuổi, cũng được mẹ chở đến Trường Mầm non Ngư Lộc để học. Thế nhưng, do không đứng được, chỉ bò lết ở lớp học, nên được 3 ngày, Thùy nhất quyết không đến lớp. Thấy con như vậy, bà Tới đành gạt nước mắt đưa con về nhà.

Hai năm sau, khi Thùy lên 8 tuổi, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thông biết tin, bà đã đến tận nhà động viên mẹ Thùy cứ cho con đến lớp học tình thương do bà mở dạy cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong xã.

“Lúc ấy, bà giáo Thông bảo rằng, cứ cho cháu đến học, được chữ nào hay chữ ấy. Vậy là tôi cho con đến học với bà giáo Thông. Thế nhưng, những ngày đầu, cháu cũng sợ bị bạn bè chọc ghẹo, nên về nhà cháu khóc nhiều lắm. Sau đó, được bà giáo Thông và tôi động viên, cháu bỏ dần được tự ti, mặc cảm và học rất chăm chỉ”, bà Tới kể.

Năm học lớp 12, Nguyễn Thị Thùy đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường THPT Hậu Lộc 4.

Năm học lớp 12, Nguyễn Thị Thùy đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường THPT Hậu Lộc 4.

Dù chỉ học ở lớp tình thương, nhưng cô bé Thùy lại rất sáng dạ, tiếp thu kiến thức rất nhanh. Chỉ ba năm theo học lớp "xoá mù", bà giáo Thông nhận thấy học trò đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học. Sau kỳ nghỉ hè năm ấy, bà giáo Thông chở bé Thùy bằng chiếc xe đạp cà tàng của mình sang Trường THCS Ngư Lộc, mạnh dạn giới thiệu vào luôn lớp 6.

Sau khi Ban giám hiệu Trường THCS Ngư Lộc kiểm tra kiến thức đầu vào, nhà trường đồng ý tiếp nhận bé Thùy và bỏ qua chương trình tiểu học chính quy. Lúc ấy, Nguyễn Thị Thùy kém hơn một tuổi so với các bạn cùng lớp.

Vào lớp 6, cô bé Thùy trở thành học sinh đặc biệt nhất ở ngôi trường này. Hàng ngày, bà Tới đạp xe chở con gái ra trường rồi lại về đi bóc tôm, xẻ cá thuê. Cô bé Thùy cứ thế lớn lên, trở thành học sinh khá, giỏi của trường.

Ước mơ thành kỹ sư công nghệ

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh Nguyễn Thị Thùy đăng ký xét tuyển đại học khối C00, với dự định theo nghề sư phạm. Thế nhưng, khi biết được điểm của 3 môn xét tuyển đại học, gồm: Văn 8,75, Lịch sử 8,5 và Địa lý 8,25, nữ sinh khuyết tật này đã quyết định “bẻ lái”, và đăng ký vào học ngành Công nghệ thông tin, Đại học Hà Nội.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy (giữa) cùng các bạn học.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy (giữa) cùng các bạn học.

“Dù em đăng ký thi khối C, nhưng cảm thấy mình cũng có sở trường Toán học và các môn khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, được thầy, cô tư vấn và nhiều ngày tìm hiểu, nên em quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Hà Nội. Hiện tại, em đã gửi hồ sơ xét tuyển và nhận thông báo trúng tuyển thẳng vào trường bằng phương thức xét học bạ”, Thùy chia sẻ.

Ngồi bên cạnh con, bà Tới bảo: “Tôi cũng không biết cháu nó lựa chọn ngành nghề gì cho tương lai, nhưng vẫn tôn trọng quyết định của con. Tôi nghe cháu nói, học cái ngành này, sau khi ra trường, thường ngồi máy tính nhiều, ít phải di chuyển và sẽ phù hợp với hoàn cảnh, cơ thể của cháu".

Dù nói như vậy, nhưng bà Tới cũng tâm sự rằng, để lo cho con trong những năm đại học, bà cũng chưa biết phải xoay sở ra sao. Bởi, chồng bà là ông Nguyễn Văn Thông, năm nay đã 57 tuổi.

Hàng ngày, ông đi làm thuê cho các chủ tàu, thuyền nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được chừng 4-5 triệu đồng. Trong khi đó, con trai cả của bà là Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1991) lại bị bệnh động kinh, không làm được gì, nên bà phải chăm sóc cả 2 đứa con.

“Cháu Dương bị bệnh thần kinh, chỉ quanh quẩn ở nhà, không giúp được gì cho bố, mẹ cả. Cháu Thùy dù bị khuyết tật, nhưng vẫn có thể phụ giúp tôi nấu cơm, rửa bát, giặt đồ.... Còn anh trai thứ 2 của cháu, thì đang đi làm thuê ở tỉnh Bắc Giang. Mỗi tháng tiền lương, cũng chỉ đủ chi tiêu cá nhân thôi chứ chẳng giúp được bố mẹ điều gì. Khi cháu Thùy vào đại học, lại phải lo tiền học phí, chi tiêu hàng tháng trong mấy năm trời, tôi cũng chưa biết phải tính toán như thế nào cả", bà Tới bộc bạch.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy và tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy và tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Những ngày chờ nhập học, nữ sinh Nguyễn Thị Thùy có vẻ lo lắng khá nhiều. Bởi, ngoài việc di chuyển khó khăn do đôi chân bị khuyết tật, thì kinh tế gia đình rất vất vả.

Thùy bảo rằng, em là học sinh vùng biển, ít được tiếp xúc với máy tính và ngành công nghệ thông tin, nên chắc chắn sẽ khá vất vả cho em. “Tuy nhiên, em nghĩ, đã đam mê, thì sẽ quyết tâm học tập thật tốt với khả năng của mình. Bên cạnh đó, môn tiếng Anh của em cũng đang rất hạn chế. Do không có máy tính xách tay, nên em sẽ tranh thủ lên mạng bằng điện thoại, tìm sách vở củng cố vốn ngoại ngữ cho mình”, Thùy tâm sự.

Để chuẩn bị cho con gái vào đại học, bà Tới dự định sẽ theo Thùy lên giảng đường hỗ trợ thời gian đầu. Sau khi con gái làm quen và tự lập ở môi trường mới, bà sẽ trở về làm thuê kiếm tiền chu cấp, đóng học phí cho con gái, đồng thời chăm sóc đứa con trai bị thần kinh ở nhà.

"Gia đình cháu Nguyễn Thị Thùy thuộc hộ khó khăn nhất trong thôn, nhiều năm trong diện nghèo hoặc cận nghèo. Dù cuộc sống của gia đình cháu Thùy rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng Thùy rất chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt, cháu Thùy rất có nghị lực, mặc dù bị tật nguyền từ nhỏ, nhưng không vì thế mà cháu bất mãn hay chán chường trong việc học hành. Hàng năm, chính quyền địa phương luôn dành cho cháu những suất quà và dịp lễ, tết hay kết thúc năm học, nhằm động viên tinh thần cũng như giúp cháu có nghị lực vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Hải Năm – Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc chia sẻ.

Mọi sự hỗ trợ vui lòng liên hệ: Tòa soạn Báo GD&TĐ: Số 15 - Hai Bà Trưng - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại: 024 3936 9800

Hoặc: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.

Số TK: 111601684999. Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.

Hoặc: Nguyễn Thị Thùy, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Số ĐT:0856.983.039. Hoặc: 0846.168.789.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.