Tác động tích cực
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, chỉ tính riêng thực hiện cao điểm từ ngày 15/12 - 28/12/2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 101.085 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó đã xử lý 8.301 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn các loại.
Trong khi đó, thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, chỉ trong tính 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, lực lượng CSGT đã xử lý 125 trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn các loại.
Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, nhận định tình hình người tham gia giao thông trong đêm chuyển giao năm mới 2020-2021 và những ngày nghỉ Tết Dương lịch sẽ rất đông và nhiều người sẽ lợi dụng sử dụng đồ uống có cồn, ngay trong đêm 31/12/2020 và rạng sáng 1/1/2021, đơn vị đã tăng cường thêm nhiều tổ công tác đặc biệt, sử dụng những máy móc hiện đại nhất kiểm tra nồng độ cồn ngay trên những tuyến phố chính.
“Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ theo sự phân công chéo, chỉ huy đơn vị này sẽ làm tổ trưởng chỉ huy cán bộ, chiến si đơn vị khác để tạo yếu tố bất ngờ, cảnh sát giao thông sẽ tham gia cùng các Phòng nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội như kỹ thuật hình sự, ma tuý.
Hình thức kiểm tra sẽ dùng hàng rào mềm tạo khu vực an toàn cho nhiều xe ô tô cùng dừng đỗ và cán bộ, chiến sĩ đồng thời kiểm tra được nhiều xe cùng một thời điểm không gây ùn tắc và làm tập trung người dân hiếu kỳ…” – Đại tá Dương Đức Hải nhấn mạnh.
Không chỉ ở khu vực thành thị mà tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nơi thói quen uống rượu bia đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhiều người. Từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tình hình an toàn giao thông trên toàn quốc được cải thiện rõ rệt. Hiệu quả của Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã giúp nhiều người thay đổi thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, khiến nhiều lái xe biết sợ không dám cả nể mời nhau sử dụng thức uống có cồn như trước đây.
Là người một trong những người đầu tiên bị xử lý vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung ngay thời khắc đầu năm 2021 lại là nữ giới, chị Nguyễn Ngọc Đ. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lấy làm vô cùng ân hận vì bữa tiệc liên hoan tiếp khách cuối năm với đối tác mà phải chịu mức xử phạt hơn 40 triệu đồng và tạm giữ ô tô 7 ngày.
Không có “vùng cấm”
Trong những ngày đầu năm 2021, các Đội CSGT địa bàn vẫn duy trì các tổ công tác xử lý nồng độ cồn. Đơn cử, chiều 3/1, theo chân tổ công tác Đội Cánh sát giao thông số 3 làm nhiệm vụ tại nút giao thông Huỳnh Thúc Khánh- Láng Hạ (quận Đống Đa) ghi nhận, sau khi vào chốt kiểm tra, kết quả nồng độ cồn của anh Đỗ Văn Lạc (sinh năm 1976, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29G1-692... vi phạm 0,276 miligam/1 lít khí thở. Anh Lạc cho biết đã mượn xe máy của vợ đi liên hoan cùng bạn ngày cuối của dịp nghỉ lễ, đồng thời xin bỏ qua vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm của anh Lạc đã được lực lượng chức năng xử lý nghiêm.
Thượng uý Lê Văn Tuấn, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT) cho biết, trước, trong và sau Tết Dương lịch, các tổ công tác xử lý chuyên đề kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn làm việc khép kín các khung giờ trong ngày để xử lý nghiêm, nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Phòng CSGT thông tin, mặc dù được tuyên truyền rất tốt về tác hại của rượu bia hơn 1 năm qua, ý thức người tham gia giao thông cũng tăng lên, nhưng trong quá trình xử lý vẫn gặp phải những hành vi chây ỳ, chống đối, thiếu ý thức.
Sáng 8/1, trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, tổ công tác của đơn vị phối hợp Đội CSGT trật tự Công an quận Hà Đông kiểm tra xử lý chuyên đề nồng độ cồn trên đường đã tiến hành niêm phong, cẩu đưa xe ô tô bán tải 29C-304.79 về bãi tạm giữ để xử lý theo qui định.
Được biết, đêm ngày 5/1 tổ công tác phát hiện ô tô tô bán tải 29C-304.79 chạy với tốc độ cao, có dấu hiệu không bình thường. Tổ công tác tiến hành dừng xe, thông báo cho tài xế về kiểm tra nồng độ cồn, ngay lập tức người này bật điện thoại Livestream. Sau nhiều lần cảnh sát hướng dẫn người này kiểm tra nồng độ cồn, nhưng đối tượng này chỉ ngậm ống mà không thổi đo kiểm tra nồng độ cồn theo qui định.
“Tại chốt kiểm tra, người đàn ông điều khiển ô tô bán tải 29C-304.79 không xuất trình được GPLX, giấy tờ xe. Người này xuất trình căn cước công dân mang tên anh Đỗ Văn Long (SN 1981, ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Tổ công tác phải mời tổ tự quản dân phố và người làm chứng đến để tiến hành niên phong, cẩu ô tô bán tải 29C-304.79 về tạm giữ theo qui định…”, Trung tá Thắng thông tin.
Được biết, với vi phạm không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, người lái xe sẽ bị áp dụng mức xử lý mức cao nhất, tổng mức phạt trên 40 triệu đồng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày theo qui định.
Xử lý trên tuyến Quốc lộ 1 A, Trung tá Trang Công Đông - Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết, trong năm 2020 các tổ công tác của đơn vị đã xử lý hơn 500 trường họp vi phạm nồng độ cồn.
“Với các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với Nghị định 46, Nghị định 100 được xem là liều thuốc để trị căn bệnh nhờn luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng đã góp phần thay đổi hành vi và thói quen của nhiều người dân Thanh Hóa. Qua đó, giáo dục ý thức người tham gia giao thông với tinh thần “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Nhờ vậy, trong năm 2020, TNGT tỉnh Thanh Hóa đã giảm so với các năm trước….”, Trung tá Đông nhấn mạnh.