“Con sợ, bà bỏ con đi như bố mẹ”
Khi Hòa chưa chào đời thì bố em đã mất vì tai nạn giao thông. Đến năm 2015, khi Hòa tròn 3 tuổi, mẹ em cũng ra đi mãi mãi vì bệnh tật. Còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau mất cả bố lẫn mẹ, hai anh em Hòa được ông bà ngoại đón về chăm sóc. Một năm sau đó, người anh trai của Hòa cũng mất với căn bệnh gan bẩm sinh.
Ngày ngày, Hòa được bà đưa đến trường học con chữ như các bạn cùng trang lứa. Nhưng khi thấy các bạn ở trường có bố mẹ đưa đón, Hòa ngây ngô hỏi bà “Bố mẹ con đâu rồi bà, sao bố mẹ không đưa con đi học”.
Khi đó, bà ngoại của Hòa là Lê Thị Ngọc (72 tuổi, ngụ 131/3, đường Kapakalơng, TP Kon Tum) chỉ biết quay mặt đi lau vội giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má.
“Hôm đầu tiên đến trường. Bà đưa con vào lớp rồi đi. Bà nói, một chút nữa bà quay lại. Nhưng con cứ đợi mãi, khóc mãi. Đến giờ ăn cơm con nhìn ra ngoài cửa cũng chẳng thấy bà đâu. Con sợ lắm, cứ khóc suốt. Con sợ, bà bỏ con đi như bố mẹ.”, Hòa với gương mặt ngây thơ, rưng rưng nói.
Hướng ánh mắt về phía góc nhà, nơi anh Lê Đức Tính (SN 1969) và anh Lê Công Danh (SN 1971) đang ngồi thẫn thờ, bà Ngọc cho hay: Năm 2007, trong lúc chạy xe ba gác chở nước ngọt bỏ cho các cửa hàng, anh Tính bất ngờ bị xe tông phải. Cú tông mạnh khiến anh Tính ngã đập đầu xuống đường, chấn thương sọ não.
Mặc dù anh Tính giữ được tính mạng, nhưng cú té mạnh khiến anh không được nhanh nhẹn như trước kia.
Đến năm 2015, anh Danh bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về nên bị liệt toàn thân. Khi đó, để có tiền chữa trị cho các con, bà Ngọc bán nhà được 150 triệu. Tuy nhiên, không đủ tiền nên bà phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để lo cho con.
Tiền hết, các khoản vay tăng dần nhưng bệnh tình của các con không thuyên giảm. Hai vợ chồng bà Ngọc đành đưa các con về nhà, tự chăm sóc, thuốc men để giảm chi phí.
“Tai họa liên tiếp ập đến khiến chúng tôi không kịp xoay sở. Tai nạn đã cướp đi mạng sống của người con rể, lại khiến 2 người con trai của tôi ngớ ngẩn, bại liệt. Tôi không biết trước đây bản thân có tội gì mà tai họa cứ xảy ra đối với gia đình tôi”, bà Ngọc nghẹn ngào nói.
Chỉ mong có thật nhiều sức khỏe
Tuổi cao, sức yếu nên không ai thuê bà Ngọc làm. Tìm mãi, bà Ngọc cũng được nhận vào gói chả ram cho một nhà hàng với giá 50.000 đồng/buổi.
Buổi sáng, sau khi thức dậy bà Ngọc vệ sinh cá nhân, lo ăn uống cho các con. Đến chiều khi bà Ngọc đi gói chả ram, chồng bà lại trông các con và dạy cho Hòa học. Mỗi tháng ngoài tiền gói chả ram thuê, gia đình bà được nhận hơn 1,6 triệu đồng từ tiền trợ cấp trẻ mồ côi, khuyết tật và hộ nghèo.
“Gia đình tiêu xài chắt bóp, nhưng nhiều hôm phải ăn cơm trắng với chút canh. Bà con hàng xóm thương tình, hôm cho gia đình bó rau hay con cá. Chúng tôi biết ơn mọi người lắm, nhưng chẳng có gì báo đáp.
Bây giờ tôi còn sức, có thể làm lo cho các con và cháu được. Nhưng vài năm nữa, vợ chồng tôi già, đau ốm rồi mất đi tôi không biết các con cháu tôi phải sống như thế nào. Tôi chỉ mong bản thân có thật nhiều sức khỏe để có thể lo cho con cháu nhiều năm nữa”, bà Ngọc tâm sự.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, em Lê Thanh Hòa nở nụ cười rạng ngời, ngây ngô nói: “Học xong con sẽ đi bán nước ngọt. Khi đó, cả nhà sẽ có nhiều nước ngọt uống".
Cô Vũ Thị Hoàn – Giáo viên chủ nhiệm lớp 3B cho biết, em Lê Thanh Hòa có hoàn cảnh khó khăn nhất trường. Mặc dù vậy nhưng em rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập.
Bố mẹ Hòa mất khi em còn rất nhỏ nên em được ông bà ngoại đón về nuôi. Nhưng gia cảnh khốn khó thay khi 2 người cậu của Hòa cũng bị tai nạn nên chỉ nằm một chỗ, không thể lao động được. Chính vì vậy, ông bà ngoại của Hòa dù tuổi cao, sức yếu những vẫn phải làm lụng nuôi 5 miệng ăn.
“Biết được hoàn cảnh khó khăn của em Hòa nên nhà trường cũng vận động các giáo viên hỗ trợ, tiếp thêm động lực để em đến lớp. Chúng tôi hy vọng các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ để gia đình vượt qua khó khăn”, cô Hoàn chia sẻ.