“Nổ cái bùm” - Sự kiện lớn về nghệ thuật đương đại sẽ khai mạc vào ngày 1/4 tại Dinh Tỉnh trưởng (Lâm Đồng) và trình diễn qua nhiều điểm, như Trường ĐH Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm, Nhà triển lãm Hòa Bình…
Thúc đẩy du lịch văn hóa
“Nổ cái bùm” là một tuần lễ nghệ thuật đương đại mang tính du hành do các nghệ sĩ: Đào Tùng, Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Hoàng Ngọc Tú và giám tuyển Lê Thiên Bảo khởi xướng từ năm 2020 tại Huế.
Đúng như tên gọi “Nổ cái bùm” muốn xé toang những ngày u ám của đại dịch Covid-19, với tinh thần cởi mở và mong muốn kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật trên khắp đất nước. Mỗi phiên bản “Nổ cái bùm” sẽ do một hoặc nhiều nhóm nghệ sĩ xung phong tổ chức tại một thành phố khác nhau.
Vào tháng 7/2020, “Nổ cái bùm” đã khai cuộc tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị của TP Huế thơ mộng, sau đó lan ra các điểm nghệ thuật và các trường đại học. Với ý tưởng về việc tạo dựng tinh thần nghệ thuật cho cố đô, vốn đã rất định hình về nghệ thuật cung đình và truyền thống, “Nổ cái bùm” là sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và đương đại, sự giao hòa giữa các vùng văn hóa.
Năm 2021, tuần lễ dự kiến tổ chức tại Đà Lạt phải tạm hoãn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Cho mãi tới năm nay, với sự hỗ trợ của ngành Văn hóa Lâm Đồng, nhóm nghệ sĩ Sao La (Nguyễn Kim Tố Lan, Nguyễn Đức Đạt, Tùng Khét, Sunny) và Hoàng Anh (Hey! Storm) đứng ra thực hiện phiên bản Đà Lạt mộng mơ 2022.
Theo Ban tổ chức, các đại triển lãm kết hợp tuần lễ văn hóa nghệ thuật vốn là một mô hình quen thuộc với lịch sử lâu đời. Dù ở nước ngoài hay Việt Nam, tất cả các kỳ triển lãm lớn và lễ hội nghệ thuật mang quy mô cấp thành phố đều thu hút một lượng công chúng đáng kể, góp phần nâng cao ý thức của người dân về du lịch văn hóa.
Tuy nhiên, mô hình này đến nay vẫn còn khá mới mẻ so với công chúng và ngày càng trở nên xa cách đối với các nghệ sĩ Việt Nam. “Nổ cái bùm” được hình thành từ nhu cầu đó, với mong muốn thúc đẩy du lịch văn hóa, cũng như khơi gợi tình yêu với nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống.
Giám tuyển Lê Thiên Bảo cho biết: “Chúng tôi tin rằng khi nghệ sĩ được sum vầy và thảo luận, họ có thể tạo ra một khí quyển sinh động, kích thích tinh thần sáng tạo và lôi cuốn thêm nhiều khán giả. Qua đó, “Nổ cái bùm” hi vọng có thể khiến người xem cảm thấy hứng thú và gần gũi hơn với các hoạt động nghệ thuật của nước nhà”.
Hướng tới người trẻ, lan tỏa sáng tạo
Giám tuyển Lê Thiên Bảo cho biết thêm, tất cả triển lãm trong tuần lễ “Nổ cái bùm” đều do nghệ sĩ tự làm chủ nội dung, cách trình bày tác phẩm. Họ cùng làm việc, trao đổi với các đồng nghiệp. Chương trình cũng hướng tới học sinh – sinh viên, nhằm lan tỏa và kích thích sáng tạo đối với thế hệ trẻ.
Đà Lạt mộng mơ 2022 tập trung hơn 100 nghệ sĩ và người làm sáng tạo. Trong đó, hơn 57% các tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc, trình diễn thể nghiệm và video. 66% nghệ sĩ là những người trẻ dưới 35 tuổi và chưa có nhiều dịp tiếp cận công chúng.
Đặc biệt, Đà Lạt mộng mơ 2022 còn quy tụ được các tác phẩm truyền thống như tuồng cải lương “Bóng người xưa” do nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc đạo diễn/biên tập và kịch bản. Vở kịch “Giấc mơ người coi chim” của nhóm Nhà Chung, do Tây Phong đạo diễn và hàng loạt các bộ phim mới của các nhà làm phim thuộc nhiều thế hệ, ở trong và ngoài nước như: Síu Phạm, Phạm Văn Nhận, Phạm Hoàng Minh Thy, Lê Bình Giang…
“Sự đa dạng này hứa hẹn mang lại một điểm giao thú vị giữa các thế hệ nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ban tổ chức cũng hi vọng đây là dịp để những người làm sáng tác có dịp tiếp xúc với công chúng ở các địa phương khác nhau”, giám tuyển Lê Thiên Bảo cho biết.
Đặc biệt, trong tuần lễ nghệ thuật còn quy các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Trong đó, các nghệ sĩ thuộc thế hệ Gen Z (nhóm nghệ sĩ sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 – 2012) sẽ có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ và trưng bày cùng những nghệ sĩ đi trước như: Nguyễn Trinh Thi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Trân Châu… Đồng thời, kết nối nghệ thuật với các nhà nông nghiệp, nghiên cứu văn chương và sinh học thông qua các hoạt động điền dã, tọa đàm.
Để tham dự hết tuần lễ nghệ thuật này, một tấm “bản đồ nghệ thuật” (art map) sẽ hướng dẫn người xem đi qua 7 không gian trưng bày tác phẩm tại các điểm: Nhà triển lãm Đà Lạt (khu Hòa Bình), Trường ĐH Đà Lạt, Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật, Không gian nghệ thuật Stop and Go, Không gian nghệ thuật Youi’s và Phố Bên Đồi studio.
Đồng thời, lịch trình của 5 ngày lễ hội cũng vô cùng phong phú với nhiều hoạt động thể thao, workshop, trò chuyện nghệ thuật và sinh thái, biểu diễn âm nhạc điện tử, cải lương, múa đương đại, chiếu phim và kịch diễn ra rải rác tại khắc các địa điểm di tích khác nhau.
Đến với “Nổ cái bùm”, người xem không chỉ được đắm chìm trong bầu không khí nghệ thuật đương đại, mà còn có dịp thăm thú các điểm đến mang đậm bản sắc Đà Lạt - gắn liền với lịch sử hình thành và nhịp sống ngày nay của xứ sở cao nguyên.