Tại các nhà vườn, những bông mai đã bắt đầu chớm nở trong gió Đông.
Thương hiệu “thuần mai”
Những ngày giáp Tết, ghé thăm vùng đất Kỳ Nam, nằm ngay dưới chân đèo Ngang du khách chắc hẳn sẽ ngẩn ngơ trước sắc vàng rực rỡ của mai rừng. Tại xã Kỳ Nam hầu như gia đình nào cũng trồng cây mai rừng trong khuôn viên nhà hoặc tại các vườn đồi. Nghề “thuần hóa” mai rừng cũng đã trở thành thương hiệu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Thời điểm này, nhiều gốc mai tại hộ gia đình anh Nguyễn Viết Xuân (thôn Tân Thành) đã bắt đầu bung nụ. Gia đình anh Xuân được xem là một trong những hộ trồng mai rừng có tiếng tại Kỳ Nam với hơn 1.000 gốc mai được trồng tại nhà và khu vườn đồi.
Anh Nguyễn Viết Xuân cho biết, bản thân đã gắn bó với nghề trồng mai hơn 20 năm. Từ một gốc mai rừng có sẵn trên mảnh đất đồi thuộc sở hữu của gia đình, anh đã chăm sóc để làm cây cảnh chưng Tết trong nhà.
Đến năm 1995, nhận thấy nhu cầu chưng mai dịp Tết khá lớn, anh Xuân đã tìm hiểu kỹ thuật và nhân giống từ gốc mai rừng có sẵn. Sau hơn 20 năm, hiện nay vườn nhà anh Xuân đã có gần 1.000 gốc mai, trong đó hơn 600 gốc đã cho thu hoạch.
“Để nhân giống tôi thường nhặt những hạt mai đen rụng dưới gốc sau mỗi vụ Tết để ươm trồng. Thời gian đầu chưa quen, nên số hạt nảy mầm rất ít. Nhờ một số bạn bè truyền kinh nghiệm, năm thứ 2 ươm thử hạt đã nảy mầm đều. Tôi chỉ việc lấy cuốc đào cây con trồng lại cho thẳng theo hàng”, anh Xuân chia sẻ.
Trong những tháng cuối năm, gia đình chị Bùi Thị Hậu (50 tuổi, thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho vụ mai Tết. Đã có kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề trồng mai, nên dù thời tiết năm nay không thuận lợi vợ chồng chị vẫn có “bí kíp” để ép mai nở đúng dịp.
Theo chị Hậu, mai là cây hoa kiểng dễ sống, dễ trồng và không quá kén đất trồng. Đặc biệt, giống mai rừng ở Kỳ Nam đã quá quen với khí hậu sinh trưởng bản địa nên phát triển rất tốt. Tuy nhiên, những cây được nhân giống khả năng chịu nhiệt độ thấp (dưới 10 độ C), kém hơn với cây nguyên bản.
“Để những lứa mai rừng F1, F2 được nở đúng dịp Tết, từ tháng 10 âm lịch, chúng tôi luôn phải theo dõi thời tiết sát sao. Nếu trời rét phải tuốt lá sớm, thời tiết ấm cần hãm nụ để hoa nở đúng dịp”, chị Hậu bật mí.
Để trồng mai đòi hỏi phải rất chịu khó, tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, đặc biệt là phải “điều chỉnh” thời tiết. Một trong những bí quyết để kích thích mai nở đúng “hẹn” thường được các nhà vườn áp dụng là thắp bóng điện để sưởi khi thời tiết giá rét. Ngoài ra, các nhà vườn thường xuyên vào các tỉnh miền Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng mai.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, ông Bùi Văn Chuổng cho hay: “Phần lớn người dân xã Kỳ Nam đều trồng mai trong nhà. Trong đó, có khoảng 30 hộ trồng mai với số lượng lớn từ 50 - 1.000 cây, tập trung trồng nhiều nhất lại xóm Tân Tiến, Tân Thành… Mai tại đây là giống mai rừng đã được người dân ươm giống hoặc lai tạo”.
Ổn định nhờ trồng mai rừng
Khác với cây mai tại những vùng khác, mai Kỳ Nam có cành nhánh sum suê, đồ sộ. Chủ vườn không dùng các dụng cụ để uốn cành tạo dáng mà thường để cây phát triển tự nhiên như ở rừng.
Hằng năm, ngoài việc thu lượm hạt mai rụng về ươm thành cây con rồi mang ra trồng ở vườn, nhiều người còn đi đến các vùng khác trong tỉnh tìm mua cây mai trưởng thành về trồng, chăm sóc và bán.
Nghề trồng, chăm sóc, buôn bán mai rừng đang giúp nhiều hộ dân ở xã Kỳ Nam thu nhập ổn định hơn. Điển hình như vợ chồng anh Xuân thu nhập hàng năm từ vụ mai Tết đem lại cho anh từ 150 - 200 triệu đồng/vụ. Hiện nay, giá mỗi cây mai được mua tại vườn anh có giá từ 1,5 triệu đến 40 triệu đồng/cây, tùy thuộc vào kích cỡ và thời gian sinh trưởng. Bình quân mỗi dịp Tết vợ chồng anh bán được từ 60 - 100 cây mai.
Còn gia đình chị Hậu, mỗi vụ mai Tết cũng đưa lại cho gia đình chị từ 60 - 80 triệu đồng/năm. “So với làm ruộng thì nghề trồng mai giúp gia đình chúng tôi thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn. Hết vụ mai này, chúng tôi đang định ươm trồng mở rộng thêm diện tích trong năm tới”, chị Hậu dự tính.
Bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch, nhiều người trồng cây cảnh đã bắt đầu tìm đến các vườn mai Kỳ Nam để chọn cây, đặt cọc. Mai Kỳ Nam không chỉ tiêu thụ ở thị trường Hà Tĩnh mà bắt đầu theo chân thương lái “vượt đèo Ngang” vào thị trường Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam.
“Năm nay do dịch bệnh nên việc tiêu thụ mai tại các tỉnh thành khác cũng hạn chế. Một phần phương tiện đi lại cũng hiếm, giá cước vận chuyển lại cao nên chúng tôi chủ yếu bán trong tỉnh. Trong tuần qua, nhiều người đã đến đặt cọc mua mai tại vườn.
Giá mai năm nay từ 1,5 - 4 triệu đồng cây đối với loại trung bình. Hiện trong vườn tôi có cây được trả với giá 25 triệu đồng nhưng tôi vẫn chưa muốn bán”, anh Nguyễn Kim Nam (thôn Tân Tiến) cho biết.
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, tổng diện tích mai xã Kỳ Nam đạt hơn 2 ha với hàng chục hộ tham gia. Với những hộ số lượng trên 100 gốc, sẽ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng trong mùa thu hoạch Tết.
“Từ chỗ trồng tự phát, cây mai đã trở thành hàng hóa đưa lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng. Trong những năm qua, địa phương đang thực hiện các chính sách hỗ trợ các nhà vườn trồng mai nhằm động viên, khuyến khích bà con tiếp tục nhân rộng mô hình, đưa cây mai trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân” – ông Chuổng thông tin.