Nghe thầy đọc thơ

GD&TĐ - Khi nghĩ tới một ai đó, thường ta hay nhớ ngay đến những điểm đặc biệt nhất về nhận dạng hay những việc làm mà người đó để lại ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí mình.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

(Kính tặng thầy Lê Thường)

Em nghe thầy đọc bao ngày

Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây

quanh nhà

Mái chèo nghiêng mặt sông xa

Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà

năm xưa

Nghe trăng thở động tàu dừa

Rào rào nghe chuyển cơn mưa

giữa trời...

Đêm nay thầy ở đâu rồi

Nhớ thầy, em lại lặng ngồi em nghe...

1967

Trần Đăng Khoa

(Rút trong tập Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa dân tộc 1999).

Lời bình của Đặng Toán

“Nghe thầy đọc thơ” của Trần Đăng Khoa với lời đề tặng thầy giáo Lê Thường, thì ngoài sự trân trọng, kính yêu, tác giả còn muốn chia sẻ với mọi người về giọng nói, cụ thể là giọng đọc thơ chắc là rất truyền cảm của thầy giáo mình:

Em nghe thầy đọc bao ngày

Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây

quanh nhà.

Ngay từ hai câu đầu tiên, tác giả dường như đã muốn cho người đọc thấy giọng đọc thơ của thầy giáo mình rất đặc biệt. Nắng và cây, bình thường vẫn là thiên nhiên, cảnh vật gần gũi xung quanh ngôi nhà của nhân vật thơ, với sắc màu cũng như dáng hình đặc trưng vốn có. Vậy nhưng trong suy nghĩ của tác giả (lúc này mới chỉ là một chú bé 9 tuổi) thì có lẽ giọng đọc thơ của thầy giáo đã tác động làm cho nắng trở nên đỏ hơn, còn cây cối hình như cũng xanh hơn thì phải.

Tiếp tục mạch liên tưởng, tác giả hình dung trong giọng đọc của thầy có tiếng mái chèo khua nước trên sông, tiếng bà ru cháu vọng về từ những năm tháng chưa xa, tiếng mưa chuyển trạng thái từ nhỏ sang lớn (rào rào). Và đặc biệt câu thơ hay một cách bất ngờ: “Nghe trăng thở động tàu dừa” đã cho thấy trí tưởng tượng, cũng như sự tinh nhạy của một tài năng thơ thiên bẩm.

Động từ “nghe” được lặp đi lặp lại gần như ở hầu khắp các câu thơ nhưng không hề gây cảm giác nhàm chán, bởi nó được kết hợp khéo léo khi thì với danh từ, khi thì động từ, lúc lại là từ láy với những trạng thái của tâm lí con người hay chuyển động của thiên nhiên.

Nhưng nếu tác giả chỉ kể, chỉ tả về giọng đọc thơ của thầy giáo mình như vậy, thì dẫu có dùng từ ngữ, hình ảnh tinh tế đến đâu bài thơ vẫn chỉ đơn giản, thiếu chiều sâu. Nếu độc giả cũng chỉ hiểu như vậy về bài thơ thì cũng thực sự là điều đáng tiếc.

Bằng câu chuyện của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn muốn thể hiện tình cảm, lòng vui sướng, biết ơn trước những bài học, những kiến thức mà thầy giáo, thông qua những tác phẩm văn học truyền dạy cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên tới học trò mình.

Đêm nay thầy ở đâu rồi

Nhớ thầy, em lại lặng ngồi

em nghe...

Hai câu cuối và cũng là khổ thơ kết với câu hỏi tu từ “Đêm nay thầy ở đâu rồi” cùng hình ảnh vừa chân thực vừa xúc động “em lại lặng ngồi em nghe” đã nâng giá trị bài thơ lên một cấp độ mới, nhờ cấu tứ chặt chẽ, cùng cảm xúc đong đầy về cả không gian, thời gian, tạo được dư âm và sự đồng cảm của độc giả.

Với một cậu bé mới 9 tuổi mà đã viết được những câu thơ giàu hình ảnh, vừa già dặn, vừa trong trẻo, chân thực, song lại hết sức sống động, thêm cách sắp xếp, bố cục để bài thơ có cấu tứ rõ nét, tạo được ấn tượng với người đọc. Đó là điều rất đáng quý và đây là một bài thơ hay về chủ đề nhà trường cũng như tình cảm thầy trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.