Nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai - "Giọng đọc huyền thoại" mãi mãi ra đi

GD&TĐ - Nghệ sĩ nhân dân Tuyết Mai - "Giọng đọc huyền thoại" đã qua đời ngày 5/3, hưởng thọ 98 tuổi.

NSND Tuyết Mai trong một chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: tư liệu).
NSND Tuyết Mai trong một chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: tư liệu).

Thông tin từ người thân NSND Tuyết Mai cho biết, bà đã từ trần hồi 22h12 ngày 5/3/2022 (tức ngày 3 tháng 2 năm Nhâm dần), hưởng thọ 98 tuổi.

Được biết, tang lễ của NSND Tuyết Mai sẽ tổ chức từ 7h ngày 10/3/2022 tại nhà riêng số 5 Trần Phú, Hà Nội. Hỏa táng cùng ngày tại đài Hóa thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội.

NSND Tuyết Mai (tên thật Bùi Thị Thái, sinh năm 1925 tại Cát Hải, Hải Phòng), nguyên Trưởng phòng Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà là phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1984 và danh hiệu NSND vào năm 1993.

NSND Tuyết Mai được mệnh danh là giọng đọc huyền thoại với các chương trình: "Đọc truyện đêm khuya", "Tiếng thơ", "Chương trình dành cho đồng bào xa Tổ quốc"…

Nhiều người cho rằng, NSND Tuyết Mai là người có giọng đọc biến hóa, đầy sức thuyết phục, không chỉ tròn vành rõ chữ mà hết sức chuẩn mực tiếng Việt, đất Bắc, âm sắc thanh thoát đầy biểu cảm. Khi thì nhẹ nhàng, khi thì hào sảng, tràn đầy khí thế trong các bài bình luận, xã luận, mệnh lệnh chiến đấu quan trọng của Đảng và Nhà nước…

Lúc sinh thời, NSND Tuyết Mai từng chia sẻ, để có được giọng đọc đặc sắc và đi sâu vào lòng người, nữ phát thanh viên Đài TNVN đã phải khổ luyện hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Ngoài việc vận động tập luyện thể dục thì bà còn dành nhiều thời gian để luyện thanh, luyện giọng, tập thở...

Ngoài những "thao tác" đơn thuần thì NSND Tuyết Mai cho rằng, người phát thanh viên phải có trái tim mẫn cảm, một nhận thức nhạy bén về đời sống mới tích hợp cho giọng đọc thêm truyền cảm, đi vào lòng người.

Sau khi NSND Tuyết Mai nghỉ hưu, nhiều nhạc hiệu trong các chương trình của Đài vẫn sử dụng lời xướng của bà như tiết mục Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya hàng đêm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ