Nghệ sỹ Ánh Hoa: Cuộc đời khổ cực từ đời thực tới màn ảnh

Nghệ sỹ Ánh Hoa từng chia sẻ bà vào vai những phụ nữ nghèo, cơ cực là bà đang vào chính vai diễn của cuộc đời bà. Chồng mất sớm, 4 đứa con cũng lần lượt bỏ bà, ra đi mãi mãi vì bệnh tim di truyền.

Nghệ sỹ Ánh Hoa (Tên thật là Nguyễn Ánh Hoa) sinh năm 1941 tại Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre). Ánh Hoa là con của cặp nghệ sĩ cải lương Văn Danh - Ánh Nguyệt nên ngay từ nhỏ, Ánh Hoa đã sớm tiếp cận với bộ môn nghệ thuật này.

Năm 7 tuổi, Ánh Hoa đã lên sân khấu với vai giả trai Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt của gánh hát Tỷ Phượng. Nhờ có tài năng và sự đam mê nên năm 15 tuổi, Ánh Hoa đã trở thành đào chính của nhiều vở diễn.

Năm 16 tuổi, Ánh Hoa kết duyên với nghệ sỹ Minh Chí và chuyển sang làm bầu gánh hát mang tên chồng, đi lưu diễn ở nhiều tỉnh thành phục vụ khán giả.

NS Ánh Hoa
NS Ánh Hoa 

Sau 1975, Ánh Hoa về làm diễn viên cho đoàn cải lương Hậu Giang 2 được gần 1 năm, năm 1976 Ánh Hoa về đoàn Trần Hữu Trang và tham gia với nhiều vai diễn trong đoàn. Trong đó đáng chú ý là vai Nhũ mẫu trong trong vở Thái hậu Dương Vân Nga hay vai lão Bà Bà trong vở Kiều Nguyệt Nga.

Đã có lần Ánh Hoa tâm sự bà nhận vai diễn là phụ nữ lớn tuổi từ khi mới 16 tuổi và có lẽ đó là cái duyên của bà nên các đạo diễn thường chọn Ánh Hoa cho các vai diễn đó. Tính ra trong suốt những năm theo Cải lương, Ánh Hoa đã nhận hơn 200 vai diễn mà đa số toàn là những vai phụ nữ lớn tuổi.

Khi sân khấu cải lương xuống dốc, Ánh Hoa đã phải làm thêm nghề tay trái, cùng chồng chuyển sang bán cơm tấm.

Ban đầu không có mặt bằng, bà gánh cơm ra cầu Chữ Y, ngồi bán ngay vỉa hè. Nhưng nhiều người chung quanh nhận ra bà, họ hiểu nỗi khó khăn của người nghệ sỹ nên xúm lại mua ủng hộ. Chính vì thế, Ánh Hoa cũng có thời “ăn nên làm ra” và bà đã có ý định sẽ bỏ hẳn nghiệp diễn để làm chủ quán cơm.

Thế nhưng cái duyên với nghệ thuật vẫn không buông bỏ Ánh Hoa nên trong một lần, khi đoàn làm phim Người tình của Pháp tìm người đóng vai bà bảo mẫu mà chưa ra, một nghệ sỹ đã giới thiệu Ánh Hoa.

Ban đầu Ánh Hoa cũng không muốn tham gia nhưng nhờ người bạn động viên mãi, Ánh Hoa mới chịu tới thử vai.

Và thật bất ngờ khi nhìn thấy bà, ê kíp Casting phim Người tình đã chọn ngay Ánh Hoa. Bộ phim Người tình sau đó đã được đề cử giải Oscar, và đạo diễn Trần Anh Hùng sau khi coi Người tình đã mời tiếp Ánh Hoa tham gia bộ phim Mùi đu đủ xanh... Bộ phim Mùi đu đủ xanh sau đó cũng được đề cử giải Oscar.

Ánh Hoa (Đứng) trong phim "Mùi đu đủ xanh".
Ánh Hoa (Đứng) trong phim "Mùi đu đủ xanh".

Từ đó, Ánh Hoa bắt đầu kết duyên với điện ảnh. Những đạo diễn thường chọn Ánh Hoa cho những vai phụ nữ lớn tuổi có đời sống nội tâm, đau khổ cùng cực. Như vai diễn bà mẹ trong Người đẹp Tây Đô, vai Mẹ của Hạnh trong Giã từ dĩ vãng, bà Khải trong Đồng tiền xương máu, bà Hai trong Mùa len trâu, bà Tám Luông trong Đất phương Nam....

Dù chỉ là vai phụ, ít đất diễn nhưng với tài năng của mình, Ánh Hoa vẫn thể hiện hoàn hảo vai diễn, gây ấn tượng cho người xem. Đặc biết với các vai phụ nữ nghèo, có cuộc sống bất hạnh và phải chịu nhiều cơ cực đắng cay, vai diễn của Ánh Hoa thường lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Vì thế, dù sau này đã cao tuổi nhưng các đạo diễn vẫn thường chọn Ánh Hoa cho các vai bà mẹ, nhất là những bà mẹ nghèo.

Ánh Hoa và NSND Lâm Tới trong "Đồng tiền xương máu".
Ánh Hoa và NSND Lâm Tới trong "Đồng tiền xương máu".

Có lần trong một talkshow, nghệ sỹ Ánh Hoa đã kể bà vào vai những phụ nữ nghèo, cơ cực là bà đang vào chính vai diễn của cuộc đời bà.

Chồng mất sớm, 4 đứa con cũng lần lượt bỏ bà, ra đi mãi mãi vì bệnh tim di truyền. Cuộc đời không còn gì cho bà nhưng Ánh Hoa gắng gượng để sống vì khán giả, bà đưa cuộc đời bất hạnh của mình lên phim, coi như trả nợ nhân duyên cho khán giả.

Một mình sống trong căn nhà, cô quạnh nên Ánh Hoa đã bán nhà, lấy tiền gửi tiết kiệm thuê căn nhà nhỏ ở gần em gái để có mấy cháu qua lại cho vui. Nhưng bà vẫn chạy xe máy đi đóng phim, đóng clip ca nhạc vì nếu không có công việc thì bà còn buồn hơn. Dù cát sê của nhưng vai bà nhận không cao, lại vất vả.

Ánh Hoa từng tâm sự: “Tôi có hơn 200 vai diễn bà lão, người mẹ chịu nhiều mất mát, đau thương. Hầu như vai nào tôi cũng khóc và lấy nước mắt khán giả. Nhiều người nói "vai diễn vận vào người" nhưng tôi không thấy sợ nữa. Đời người nhiều bi kịch lắm, tới giờ tôi chỉ sợ mất niềm tin vào cuộc sống. Vì thế tôi đóng phim để không mất niềm tin”.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ