Nghệ sĩ bị bôi nhọ, thủ phạm vô tư ngoài vòng pháp luật

Việc bị giả mạo trên facebook hay tự dưng bị “tố cáo” không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người nghệ sĩ và gây hoang mang dư luận mà còn khiến cuộc sống của nhiều nghệ sĩ bị đảo lộn. Tuy nhiên, rất hiếm khi thủ phạm bị “sờ gáy” khiến không ít nghệ sĩ lo lắng.

Danh hài Hoài Linh bị lập facebook giả mạo.
Danh hài Hoài Linh bị lập facebook giả mạo.

Bỗng dưng bị… tố cáo

Ngày 9/8/2016, một tài khoản facebook có tên Jose Calos Depre đăng một bức ảnh có nghệ sĩ Quang Tèo, nghệ sĩ Hán Văn Tình cùng dòng chữ:

“Người đàn ông rất giàu có trong chiếc áo xanh kia đã buôn lậu ngà voi từ châu Phi sang châu Á trong cả một thập kỷ qua...Người đeo kính còn lại không có gì quan trọng”.

Theo thông tin giới thiệu trên trang cá nhân, facebooker có tên là Jose Calos Depre là Giám đốc tổ chức cứu hộ động vật tại Ấn Độ đồng thời cũng là Giám đốc điều hành tổ chức cứu hộ động vật tại Nam Phi. Trên trang cá nhân, Jose Calos Depre thường xuyên chia sẻ thông tin về động vật hoang dã và vấn đề bảo vệ động vật hoang dã.

Trước thông tin trên, Quang Tèo cho biết anh rất bất ngờ và khẳng định mình bị oan: “Nếu tôi mà đủ tài đi buôn lậu ngà voi thì đời tôi đâu phải ở trong căn nhà 35m2 này.

Cũng chẳng phải suốt ngày dãi nắng dầm mưa lội ruộng đuổi vịt để quay mấy cảnh quay. Tôi phải ở nhà lầu, xe hơi, chân dài xung quanh chứ. Cả đời tôi chưa nhìn thấy cái ngà voi hay sừng tê giác bao giờ. Làm gì có chuyện buôn ngà voi. Thật vớ vẩn”.

Nghệ sĩ còn cho biết, ảnh trên mạng là ảnh ghép chứ anh chưa từng vào ngôi nhà có khung cảnh trên bao giờ. Nghệ sĩ Quang Tèo nhận định:

“Có thể đây là một trò câu “like” của chủ tài khoản mà thôi. Đây là thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến danh dự của một người nghệ sĩ như tôi”.

Không chỉ Quang Tèo, rất nhiều “sao” trong làng showbiz bị những tài khoản lạ cố tình lừa đảo làm xấu hình ảnh và hạ thấp danh dự của người nghệ sĩ.

Nhiều kẻ đã lợi dụng hình ảnh, tên tuổi của các nghệ sĩ để câu “like”, comment thậm chí còn mạo danh của nghệ sĩ để lừa đảo người hâm mộ bằng cách kêu gọi ủng hộ từ thiện, quảng cáo thương hiệu…

Cuối năm 2015, Hoa hậu Đặng Thu Thảo phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang kẻ mạo nhận là quản lý của cô để lừa đảo hãng phim, các doanh nghiệp. Người này kêu gọi trên trang facebook:

“Thu Thảo đã mở quỹ tấm lòng nhân ái. Các anh chị ở hải ngoại ủng hộ để Hoa hậu giúp đỡ mọi người nhiều hơn. Hãy cùng chúng tôi đem đến sứ mệnh yêu thương...”.

Để tạo lòng tin, chủ facebook này còn viết, Thu Thảo và nhóm từ thiện chuẩn bị xây dựng 10 căn nhà cho bà con nghèo và 4 cây cầu cho hai huyện ở Cà Mau và Bạc Liêu...

Với chiêu bài này, kẻ mạo danh dễ dàng lừa được rất nhiều tiền của doanh nghiệp, cá nhân và lừa được cả một hãng phim khi ký hợp đồng để Thu Thảo tham gia đóng phim với mức cát sê gần 10.000USD, ẵm trước tiền cọc 20 triệu đồng gây ảnh hưởng đến uy tín của Hoa hậu.

Khó tìm ra thủ phạm?

Danh hài Hoài Linh cũng là nạn nhân của trò lập facebook giả mạo. Hiện NSƯT Hoài Linh là người có số trang facebook giả mạo nhiều nhất với hơn 200 trang.

Sợ bị kẻ gian lợi dụng tên tuổi, hình ảnh danh hài Hoài Linh lừa đảo tiền với chiêu bài kêu gọi từ thiện hay bôi nhọ danh dự của mình, Hoài Linh đã lưu ý:

“Linh chỉ có 1 trang Fanpage Võ Hoài Linh có đánh dấu chính chủ (màu xanh) và lượng người theo dõi là trên 6 triệu. Cám ơn cả nhà quan tâm”.

Tương tự, fanpage ca sĩ Nguyễn Trung Hiếu giả đăng quảng cáo facebook với nội dung “bẩn” có yếu tố sex-sốc-lạ , khêu gợi sự tò mò.

Khi nhấn vào quảng cáo, người dùng sẽ được dẫn đến một website trung gian hướng dẫn truy cập đến trang tin không có giấy phép baomoil*.com.

Tổng số like, comment và share của mẩu quảng cáo này lên đến hơn 15.000 nên càng kích thích người xem, nhất là các bạn trẻ hay tò mò.

Về vấn đề này, pháp luật đã có quy định rõ, việc giả mạo facebook nếu nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật Công nghệ thông tin.

Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân...

Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; nếu tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng facebook, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng có mức phạt tương tự.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện (chẳng hạn như laptop…) được sử dụng để vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo facebook của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Luật đã có, cũng như nghệ sĩ Quang Tèo, các nghệ sĩ khác đều mong các cơ quan chức năng và cơ quan an ninh sẽ vào cuộc để làm rõ việc này, trả lại danh dự người nghệ sĩ.

Tuy nhiên, rất hiếm thủ phạm bị “sờ gáy” khiến cho không ít nghệ sĩ hoang mang, lo lắng. Và không biết ngày nào những nghệ sĩ lại tiếp tục bị bôi nhọ danh dự.

Theo Pháp Luật VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.