(GD&TĐ) - Trong những lần rong ruổi về vùng rừng U Minh (Cà Mau) và rừng quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), chúng tôi có dịp cùng dân “ăn ong”. “Ăn ong” là tên mà người dân đặt cho nghề lấy mật và gác kèo ong rừng. Cái nghề ăn ong ở miệt rừng vùng châu thổ ĐBSCL tồn tại hàng trăm năm qua, phía sau nó là cả câu chuyện dài về đời ăn ong và đạo ăn ong nơi rừng sâu.
Vào rừng “ăn ong”
Mùa khô là khoảng thời gian dân hành nghề ăn ong ở ĐBSCL chuẩn bị đồ nghề vào rừng gác kèo và lấy mật ong. Trong các loại mật ong thì mật ong rừng tràm được xem là loại mật quý, vừa thơm vừa bổ dưỡng vì ong chủ yếu hút mật từ bông tràm. Theo dân ăn ong chuyên nghiệp thì loài ong làm tổ và sinh sản quanh năm trong rừng, thời điểm mùa khô chất lượng mật sẽ cao nhất vì mật không bị pha tạp bởi nước mưa.
Ngày xưa dân ăn ong vào rừng chủ yếu tìm tổ ong hoang để lấy mật, nhưng loài ong mật hoang dã thường chọn nơi làm tổ ở địa thế hiểm trở, vừa cao, vừa nằm trong rừng sâu nên lấy được tổ ong rất vất vả. Để tiện cho việc lấy mật, người dân đã có sáng kiến là gác kèo ong ở những vị trí dễ lấy mật để dụ ong đến làm tổ. Ông Tư Liêm, một người chuyên “ăn ong” ở rừng Tràm Chim cho biết: “Gác kèo ong là công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và phải có duyên mới được. Mỗi gia đình làm nghề ‘ăn ong’ đều có bí quyết và theo kiểu cha truyền con nối. Có người gác kèo đạt khoảng 80- 90% nhưng có người gác kèo mãi mà ong không đến làm tổ”.
Việc đầu tiên của gác kèo ong là chọn được cây tràm to khoảng 10 năm tuổi, chặt lấy phần gốc tràm dài khoảng 3m, chẻ đôi, làm sạch vỏ. Ở hai đầu đoạn tràm này người ta đục hai lỗ để cắm vào hai cây cột chịu phía dưới. Gác kèo ong phải có độ nghiêng nhất định để nước chảy xuống phía dưới, không làm ướt tổ ong. Gác kéo xong, người ta bôi lên kèo một ít sáp và mật ong để dụ ong tìm đến làm tổ. Bí quyết gác kèo ong thành công là phải biết được hướng nắng, hướng gió, độ mát và nắm được những đặc điểm mà ong thích làm tổ. Điều này đòi hỏi người ăn ong phải có nhiều năm kinh nghiệm và có cả bí quyết gia truyền.
Hành trang của dân “ăn ong” chỉ đơn giản là cái búa, cái đục và bùi nhùi (bên trong là cành cây khô có mồi lửa, quấn quanh bên ngoài là vỏ cây tràm tươi, dụng cụ này dùng để tạo khói xua đuổi ong). Mỗi chuyến thu hoạch mật, người ăn ong khéo léo thổi mạnh vào bùi nhùi để tạo hướng khói đi thẳng vào tổ ong, khi đó ong sẽ bay ra ngoài hết. Nguyên tắc của dân ăn ong là không bao giờ cắt hết tổ ong mà chỉ cắt khoảng 2/3 tổ, để lại một ít mật và toàn bộ ong non. Đây là nguyên tắc và cũng là lời thề của dân hành nghề “ăn ong”. Đặc biệt là khi cắt tổ ong không được dùng dao bằng sắt hay kim loại mà chỉ dùng dao làm bằng thanh tre vót thật mỏng và bén để cắt tổ lấy mật. Nếu dùng dao bằng kim loại thì ong sẽ ngửi thấy mùi sắt và bỏ tổ đi hết. Vào mùa tràm trổ hoa, mật ong sẽ có nhiều và chất lượng mật thu được rất cao. Mỗi lần thu hoạch trung bình một tổ ong lớn có hàng chục lít mật, tổ nhỏ cũng vài lít. Ông Năm Mạnh, người chuyên “ăn ong” ở rừng U Minh tâm sự: “Mỗi năm thu hoạch mật chỉ vài vụ nên đời sống dân ăn ong không khá mấy. Ngày nay, lượng ong rừng giảm đáng kể nên càng khó khăn hơn, nhiều người bỏ nghề, có người chuyển sang nuôi ong trong thùng. Nhất là mỗi đợt rừng bị cháy thì dân ăn ong sẽ trắng tay do ong bị chết, một số ong không còn nơi cư trú nên bỏ đi. Loài ong có đặc điểm là khi bị lửa đốt chúng không bay đi mà bám sát vào nhau để bảo vệ tổ, nên xảy ra cháy rừng thì đa số ong chết hết”.
Ở rừng U Minh nghề ăn ong tồn tại hàng trăm năm qua, cái nghề này đã nuôi sống bao thế hệ, là miếng cơm, manh áo của hàng ngàn người dân nơi đây. Đặc biệt, người ăn ong rừng khi gia nhập nghề phải vào tổ chức chuyên ăn ong được gọi là Phong Ngạn. Họ đều tuân thủ theo lời thề để luôn sống hòa hợp với rừng sâu và bảo vệ loài ong rừng.
Đạo ăn ong
Mỗi người gác kèo, ăn ong đều có những lời thề độc trước khi bắt tay vào nghề như: không phá rừng, đốt rừng, không hủy tổ, tàn sát các loài ong, không pha nước vào mật, không trộm mật ong của người khác... Dần dần những điều luật ấy trở thành “đạo ăn ong”. Dân ăn ong luôn tuân thủ theo đạo ăn ong, dù nghèo khó họ vẫn sống hòa hợp với rừng để mưu sinh và tồn tại. Theo một số người chuyên ăn ong rừng kể lại, có lần vào rừng sâu gặp được tổ ong rất to, họ gọi đó là tổ ong chúa. Trước khi ăn tổ ong này họ phải tổ chức cúng và xin phép mới tiến hành lấy mật. Theo thông lệ, mỗi năm người gác kèo ong đều có tổ chức một lễ cúng rừng, cúng tổ rất trang nghiêm. Người ăn ong thường chọn cúng nơi có kèo ong lớn nhất khu rừng, đó được xem như là tổ chính của loài ong trong khu vực.
Chưa ai xác định nghề ăn ong có tự bao giờ, cứ theo quy luật cha truyền con nối mà nghề ăn ong tồn tại từ đời này sang đời khác. Ở vùng rừng U Minh, dân chuyên làm nghề ăn ong rừng được gọi là dân Phong Ngạn. Chúng tôi tìm những người ăn ong thuộc hàng lão làng ở U Minh để tìm hiểu tại sao dân ăn ong được gọi là Phong Ngạn thì chưa ai có câu trả lời. Nhiều người cho rằng chỉ nghe nói đó có thể là tên người hay tên địa danh nào đó là ông tổ hay là nơi xuất xứ của nghề ăn ong. Mỗi người hành nghề ăn ong nơi đây đều phải gia nhập đoàn Phong Ngạn. Đoàn có tổ chức trên dưới hẳn hoi, người đứng đầu gọi là đại diện, người này được các đoàn viên tôn lên dựa trên các tiêu chí như kinh nghiệm, đạo đức và thái độ ứng xử với ong với rừng… Mỗi đoàn Phong Ngạn có khu vực làm ăn riêng, không ai xâm phạm ai. Trên khu vực quản lý của mình, mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ ong và không để xảy ra cháy. Ai vi phạm tùy theo mức độ sẽ xử lý hoặc cấm hành nghề ăn ong.
Nghề ăn ong chủ yếu được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, người cha sẽ truyền lại cho người con trai thường đi theo ăn ong từ nhỏ. Nếu nhà nào không có con trai sẽ truyền lại cho cháu trai. Ông Hai Hiển đã có 40 năm trong nghề ăn ong ở rừng Tràm Chim tâm sự: “Ăn ong” phải được rèn luyện từ nhỏ và có cái tâm, cái đạo với nghề nên không phải ai cũng làm được. Tôi từ nhỏ khoảng 7- 8 tuổi đã lội theo cha vào tận rừng sâu để “ăn ong”, mỗi lần đi sẽ học và tích lũy được một ít kinh nghiệm. Cái quan trọng của người ‘ăn ong’ là sống hòa hợp với rừng, với ong, mình lấy mật từ loài ong để mưu sinh nên phải quý trọng và bảo vệ ong rừng”.
Hằng năm, vào mùa khô hay xảy ra tình trạng cháy rừng, người ta thường nói là do dân “ăn ong” gây nên. Thực chất không phải như vậy, dân “ăn ong” chuyên nghiệp rất kỹ lưỡng khi sử dụng lửa trong rừng. Họ sáng tạo ra bùi nhùi chủ yếu là dùng khói để xua đuổi ong, bao bọc phía ngoài bùi nhùi là vỏ thiếc để tránh rơi tàn lửa làm cháy rừng. Hiện nay mật ong rừng bán được giá cao nên xảy ra tình trạng một số người dân tự phát vào rừng ăn ong và khai thác mật ong vô tội vạ. Họ gặp tổ ong là đốt rụi rồi mới lấy mật, bất cẩn sẽ gây nên tình trạng cháy rừng và vô tình làm giảm số lượng đàn ong. Loài ong rất nhạy cảm với môi trường sống, hễ có sự tác động của con người như đốt tổ, phá tổ là ong sẽ bỏ đi. Cộng với hiện tượng phá rừng bừa bãi, cháy rừng đã làm cho đàn ong không còn chỗ sống. Bằng chứng dễ thấy nhất là sự xuất hiện ngày càng nhiều tổ ong mật ở các khu vườn cây ăn trái của người dân. Do trong rừng không còn chỗ sống, không còn thức ăn nữa nên ong đã tìm về vườn cây để làm tổ.
Ở cái tuổi xế chiều, đã gắn bó hơn nửa đời người với cái nghề ăn ong, ông Hai Hiển bùi ngùi: “Nghề ‘ăn ong’ chỉ đủ sống chứ khó mà làm giàu được. Chúng tôi sống với nghề là do ông cha truyền lại và xem nó như cái nghiệp, là miếng cơm, manh áo của mình. Mỗi lít mật giá khoảng 80 ngàn đồng, một năm người ăn ong khai thác được khoảng 3 mùa mật là cùng nên đời sống còn khó khăn lắm!”.
Nguyễn Quốc Ngữ