Trái với xưởng dệt lụa thông thường với những tiếng lạch cạch rộn vang của những chiếc máy, xưởng dệt rộng 500m2 của bà Thuận khá yên tĩnh. Bởi tại đây, trong số nghìn “người thợ” miệt mài làm việc chỉ có 20 con người.
Bán đất, bán xưởng vẫn phải giữ nghề
Sinh ra trong gia đình với nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, nghề tơ tằm đã “thấm vào máu, ươm vào thịt” nghệ nhân Phan Thị Thuận. Chả thế mà sau bao thăng trầm của nghề, khi nhiều người trong làng chuyển sang làm nghề khác thì bà vẫn miệt mài với nghiệp dâu tằm.
Nhớ lại thời kỳ khi Xí nghiệp ươm tơ Mỹ Đức chuẩn bị phá sản, bà không khỏi bồi hồi: Ở Phùng Xá khi đó không còn ai trồng dâu nuôi tằm, ngày nào tôi cũng một mình đạp xe gần 30km lên Nông trường Thanh Hà (Kim Bôi, Hòa Bình) thu mua lá dâu về cho tằm ăn. “Tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu tỉnh, thành, đến bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp ươm tơ, ở đâu có nghề trồng dâu nuôi tằm là tôi tìm đến học hỏi, cốt sao giữ được nghề”.
Những tưởng đã vực dậy được nghề khi những năm 1987-1988, cả huyện Mỹ Đức có khoảng 200 máy ươm tơ mini, bà được tỉnh Vĩnh Phúc mời lên để phát triển nghề tơ tằm. Bà cười buồn nhớ lại: “Bao tiền dành dụm, tiền bán đất tôi đầu tư nhà xưởng, vùng nguyên liệu nhưng không phát triển được”.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang cần mẫn điều khiển tằm tự dệt. Ảnh: VTC
Quyết định bán nhà xưởng ở Vĩnh Phúc, quay trở về quê hương, gần như bắt đầu lại từ đầu khi tuổi đã gần 60. “Tôi phải đến từng hộ nuôi tằm, thuyết phục họ làm cho mình và phải đảm bảo giá mua tằm ổn định trong 10-20 năm. Nhà nào cần lúa ăn trong một năm, tính ra bao tiền tôi ứng trước để họ yên tâm làm. Có như thế họ mới làm cho mình”.
Từ ý tưởng “gàn dở”...
Quay trở về cũng là lúc nghề tơ tằm bắt đầu đi xuống, hoạt động cầm chừng. Bà nghĩ chỉ có tạo ra được sản phẩm có thể xuất khẩu thì ngành tơ tằm mới tồn tại được. “Nhiều lần ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, tôi nghĩ tại sao mình không cho con tằm tự dệt, biến nó thành người thợ cho mình” - bà Thuận nói về ý tưởng “tằm tự đan”.
Lúc bà đưa ra ý tưởng này, không ai nghĩ có thể làm được bởi tập tính của con tằm là làm kén, bây giờ bắt nó tự nhả tơ đan trên một mặt phẳng là điều không tưởng.
“Khi bắt đầu làm, chồng tôi có nói rằng thôi đừng làm nữa. Bây giờ mình già rồi, còn quãng thời gian cuối đời chỉ làm mà ăn chứ không vực nổi nghề tờ tằm đâu” - bà nhớ lại và cho biết đã bỏ ngoài tai mọi điều can ngăn, gạt tất cả mọi người sang bên và vẫn quyết tâm làm.
“Tôi lăn lộn một mình dưới xưởng. Tất cả máy dệt xếp gọn một chỗ. Ai cũng bảo tôi điên, tôi hâm, gàn dở. Chồng giận, con bỏ đi làm nghề khác vì cho rằng tôi đâm đầu vào ngõ cụt; nhưng tôi nghĩ mình không bao giờ đi vào ngõ cụt. Bởi khi tôi làm điều gì tôi phải biết chắc mình sẽ làm được, biết chắc cách đi đến thành công” - ánh mắt bà Thuận bừng sáng khi nhớ lại tháng ngày vượt lên khó khăn của mình.
... Đến sản phẩm độc nhất vô nhị
Trong 2 năm thử nghiệm đầu tiên, gần như mỗi ngày bà chỉ ngủ 1 tiếng vì phải túc trực 24/24h điều chỉnh để tằm nhả tơ tự do mà không tìm tổ để cuộn kén. Cái khó là làm sao để con tằm vẫn nhả tơ trên một mặt phẳng và có thể sắp xếp chúng đúng vị trí vì vốn dĩ tằm sẽ bò lung tung trên mặt phẳng theo bản năng.
“Tôi kiên trì ngồi bắt từng con sao cho khi nhả, tơ con nọ đan vào tơ con kia thành lớp nang dày như những chiếc kén được cán phẳng mà không cần đan, không cần dệt như các phương pháp truyền thống trước đây” - bà nói. Sau nhiều thất bại, tấm nang do con tằm tự đan đã hoàn thành.
Nếu như trước đây khi là con kén thì dùng phương pháp ươm để tách hồ, nhưng khi thành tấm nang vàng thì thật sự là bài toán khó. Bà mất thêm một năm để nghĩ cách làm sao biến tấm nang đó thành sản phẩm tiêu dùng. Bà dùng phương pháp tẩy chuỗi với một công thức bí truyền. Tuy nhiên, với những ai tâm huyết muốn học nghề, bà sẽ truyền dạy.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang giới thiệu sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt.
Ảnh: Bảo Hân/Vietnamnet
Tấm kén sau khi được đun trong 3-4 giờ để tan hết keo tơ vàng sẽ thành một tấm bông tơ tơi xốp, có độ liên kết bền chắc mà không có máy móc hay bàn tay con người nào có thể làm ra được.
Bà Thuận cho biết, trung bình tằm khỏe mạnh có thể nhả sợi tơ dài 400-500m/con, con yếu hơn thì khoảng 300m/con. Thời gian hoàn thành tấm nang tơ là 4-6 ngày.
“Cứ 30kg tằm sẽ cho ra một tấm mền bông hoàn chỉnh nặng 1kg. Để thu được sản phẩm ruột bông nặng 2kg, chỉ cần 6 nhân công và thời gian tính từ lúc tằm chín đến khi ra sản phẩm chỉ mất 6 ngày, giá trị kinh tế hơn hẳn so với phương pháp truyền thống. Phương pháp này giúp tiết kiệm lượng lớn chi phí thuê nhân công và không mất vốn đầu tư máy móc, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt” - bà Thuận nói.
Hiện sản phẩm chăn bông tơ tằm tự đan đã được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến như Đức, Bỉ, Australia, Anh, Mỹ… Điều mà nữ nghệ nhân này vẫn đau đáu là nhận được sự ủng hộ của địa phương để có thể mở rộng thêm diện tích và truyền nghề được cho nhiều thế hệ kế tiếp.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận sinh năm 1954, hiện là Giám đốc Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng như Bông lúa vàng Việt Nam 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giải nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ sáu (2014-2015)” do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Mới đây, bà được vinh danh trong sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016.