Nghề khó nhất chính là nghề làm vợ – bài viết làm dậy sóng MXH, ai đọc cũng thấy mình trong đó

GD&TĐ - Ở Việt Nam, nghề khó nhất là nghề-làm-vợ!

(Ảnh minh họa. Nguồn: Womany.net)
(Ảnh minh họa. Nguồn: Womany.net)

Trên đời có trăm ngàn loại nghề, không nghề nào giống nghề nào, từ vất vả bươn chải, đội nắng đội gió, cho tới những nghề việc nhẹ lương cao, 8 tiếng ngồi điều hòa, 3 tiếng ngồi cà phê… Những nghề đó, ở đâu cũng có, dành cho cả đàn ông và đàn bà. Nhưng mà chắc ít người nhận ra, ở Việt Nam chúng ta, thêm một nghề đặc biệt nữa, nghề này thú thật là chỉ dành riêng cho phụ nữ đã có gia đình. “Thú vị” thêm là nghề này thu nhập 0 đồng, suốt ngày bị mắng, thậm chí là không ít lời chỉ trích bỉ bai. Vâng! Nghề đó chính là nghề… làm vợ.

Không tin thì xem bài viết khá thú vị được chia sẻ trên một trang mạng xã hội dưới đây để thấy, đây không những chỉ là một nghề đặc biệt mà còn là cái nghề khó nhất trần đời, được sinh ra để dành cho những người vợ trẻ, những bà mẹ, những cô con dâu… mà từ lâu rồi, không một ai công nhận.

(Ảnh: Facebook) 

“Ở Việt Nam, nghề khó nhất là nghề-làm-vợ. Thật sự! Bảo sao càng ngày con gái càng muốn kết hôn muộn. Chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thì không thể lấy chồng đâu.

CÁI GÌ CŨNG LÀ LỖI CỦA VỢ…

1. Vợ ra mắt nhà chồng bằng việc vào bếp làm cỗ và rửa mấy mâm bát để “thử tài dâu mới”. Chồng ra mắt nhà vợ bằng việc “phải” ăn uống no say vài mâm cỗ để “thử tay nghề” của nhạc phụ nhạc mẫu.

2. Ai cũng “được quyền” soi mói vợ, kể cả cô em họ 8 đời của chồng. Chồng thì cứ như “Thánh sống”, cả nhà vợ ai cũng sợ mích lòng.

3. Vợ về nhà chồng phải “tự nhiên như ruồi” mà lao vào dọn dẹp, cơm nước nếu không muốn bị cho là lười biếng. Chồng về nhà vợ thì “cứ tự nhiên như khách”, ngồi uống nước trò chuyện với bố vợ và đợi mẹ vợ dọn cơm lên ăn.

4. Việc nhà chồng là việc của 2 vợ chồng, còn việc nhà vợ là việc của… bố mẹ vợ.

5. Chồng mệt, nằm nghỉ là do chồng mệt. Vợ mệt nằm nghỉ ngơi là do vợ lười, trốn việc nhà, làm nũng.

6. Chồng mệt mà cố gắng làm việc là “sống có trách nhiệm, cố gắng vì gia đình, số quá vất vả…”. Vợ mệt mà cố làm thì lại là “nó giả vờ mệt, diễn…”.

7. Sáng dậy chồng bận xem phim, xem đồng hồ tính đến giờ đi làm. Vợ cũng liếc đồng hồ suốt để tính xem còn đủ thời gian làm việc nọ, việc kia.

8. Vợ ăn mặc lôi thôi, gầy guộc xấu xí là do vợ không biết chăm sóc bản thân. Chồng ăn mặc lôi thôi, xuống cấp là do… vợ không biết chăm lo cho chồng.

9. Chồng đi nhậu với bạn là để giao lưu, vợ đi chơi với bạn là đàn đúm.

10. Chồng đi sớm về khuya là hết lòng vì công việc. Vợ đi sớm về muộn tí là “không biết đường về sớm mà lo việc gia đình, hết mình vì công việc làm gì?”. Lúc lương thấp vợ kêu ai?

11. Con ốm, con đau, nhà có việc luôn là vợ nghỉ làm, phải làm lơ trước khuôn mặt nhăn nhó không hài lòng của sếp.

12. Bố mẹ chồng ốm đau là vợ phải tự động lo thuốc men, chăm sóc. Bố mẹ vợ ốm được con rể gọi điện hỏi thăm tí đã thấy quý lắm rồi.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Womany.net)

13. Đồ dùng trong nhà hỏng là do vợ “không biết dùng, không biết bảo quản”, chồng không có vướng víu gì vì “có khi nào chồng dùng đến?”, mà nếu nó hỏng do chồng thì cũng là vì “đồ đểu” hay “nó hết hạn sử dụng?” mà thôi.

14. Nhà cửa, đồ dùng bẩn là do vợ. Con hư do vợ. Con gầy do vợ không biết chăm. Con không ăn do mẹ nấu không ngon, không biết đổi món. Con thiếu chất, thừa chất cũng do mẹ, táo bón cũng do mẹ thiếu hiếu biết.

15. Nhà thiếu gì cũng kêu vợ không sắm, bữa ăn không có gì ăn là kêu không ngon. Lúc hết tiền lại do vợ tiêu hoang?

16. Chồng đi nhậu vợ phải kiên nhẫn đợi, gọi điện là “lèo nhèo, làm mất mặt chồng…”. Chồng đợi vợ chút gì là kêu vợ lề mề.

17. Đi làm về chồng thảnh thơi vừa đi vừa ngắm gái. Vợ lại đua xe tốc độ cao, đầu vừa lo lái xe vừa nghĩ xem hôm nay ăn gì, ở nhà còn thiếu những gì; mắt vừa nhìn đường vừa liếc hàng quán.

18. Vợ về nhà chỉ kịp hôn con là lao vào dọn dẹp, nấu nướng. Chồng thảnh thơi bế con đi chơi, bảo sao nó chẳng yêu quý bố hơn?

Bảo sao lúc yêu nhau thì vợ hiền lành nết na thế, giờ làm vợ làm mẹ thì hơn “sư tử”… bởi có quá nhiều thứ phải lo, phải làm và quá nhiều bất công. Làm phụ nữ nốt kiếp này, kiếp sau xin được làm đàn ông, nếu lỡ may rơi vào thân phụ nữ thì tôi cũng chỉ yêu phụ nữ mà thôi”.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Womany.net)

Tất cả nội dung trên, được đăng đàn không bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng, nhất là giới chị em phụ nữ với nhau. Ai cũng tấm tắc khen đây đúng là nỗi lòng của phần đông phận phụ nữ cam chịu từ phong kiến cho đến hiện đại. Bởi nó vạch trần đúng một sự thật bẽ bàng rằng, sinh ra là đàn bà, con gái Việt, thì đến một giai đoạn nào đấy của cuộc đời, đặc biệt là giai đoạn sau hôn nhân sẽ khó khổ muôn phần.

“Hoàn toàn đồng ý”, “vậy mà có ma nào nhìn thấy đâu”, “nghề này nhiều khi còn bị đánh mà không được đền bù bảo hiểm”, “ôi nghe mà chẳng muốn lấy chồng”, “lấy chồng khổ vậy thì ở giá hết cho rồi”, “nghề khó nhất mà thu nhập thấp nhất nè”, “đúng là cái gì cũng đổ cho phụ nữ”,…

(Ảnh: Facebook)

Đó là tất cả những bình luận với đủ mọi sắc thái của cộng đồng chị em người dùng mạng sau khi xem xong nội dung trên như một minh chứng có thật rằng, dù thời đại xoay chuyển đến cỡ nào thì đâu đó vẫn còn rất nhiều thân phận đàn bà cam chịu để “hành nghề” làm vợ và răm rắp tuân thủ tuyệt đối như một sứ mệnh, dù cho sứ mệnh này rất thiếu công bằng.

Tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ thật ra hiện nay, khi phụ nữ đã có đủ nhận thức được mình nắm trong tay quyền “lựa chọn” thì những thứ trên, họ hoàn toàn có thể tránh được bằng cách “chọn lựa” và “quyết định”. Nó đúng, nhưng không đúng hết với tất cả, chỉ đúng trong một bộ phận chị em cũng còn tương đối đông ở Việt Nam.

Thôi thì có những thứ dù có nói muôn đời cũng không thể giải quyết được, và cái nghề làm vợ này cũng nằm trong những thứ đó. Điều kiện cần và đủ để thay đổi những thứ dài ngoằn chua xót phía trên là khi và chỉ khi phụ nữ dám nói ra, dám quyết định, dám lựa chọn và đàn ông chỉ cần chịu lắng nghe, chịu thấu hiểu là đủ. Đúng không?

Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ