(GD&TĐ)-Để đạt được tỷ lệ 1 cán sự công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp/10.000dân, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần đội ngũ khoảng 8500 người làm công tác này trong các cơ quan Nhà nước.
Khái niệm CTXH còn mới mẻ đối với người dân Việt Nam |
Con số này chứng tỏ sự cần thiết của một đội ngũ làm nghề CTXH, một nghề còn khá mới mẻ và có khá nhiều thách thức trước mắt. Thậm chí, ngay cả cách hiểu về nghề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Đây cũng là những vấn đề được đặt ra trong cuộc tọa đàm “Nghề công tác xã hội – Nhu cầu và khả năng” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức hôm nay (9/12) tại Hà Nội.
40% dân số cần sự trợ giúp của các dịch vụ CTXH
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Phó cục trưởng cục bảo trợ XH, Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số, trong đó 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% số hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma túy, hơn 15.000 người bán dâm, khoảng 1,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; 22% gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau…
Tuy nhiên, nhận thức về nghề CTXH còn rất mới mẻ, sự phát triển và đào tạo cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Mạng lưới nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp. Thêm vào đó, vì chưa có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ, nhân viên CTXH nên chất lượng đội ngũ này còn hạn chế.
Phát triển công tác xã hội thành một nghề ở Việt Nam
Tọa đàm về nghề CTXH. Ảnh: gdtd.vn |
Lực lượng cán bộ làm CTXH tâm huyết, nhiệt tình nhưng thiếu kỹ năng, tính chuyên nghiệp. Hiện có nhiều trung tâm, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi trong và ngoài công lập, những nhóm tình nguyện, cá nhân hoạt động CTXH độc lập… rất muốn tìm hiểu sâu về nghề CTXH nhưng thiếu cơ hội và thông tin. Họ có rất nhiều điều trăn trở và muốn chia sẻ về nghề CTXH, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hành nghề. Đây là đội ngũ CTXH bán chuyên nghiệp rất cần được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để nâng lên thành chuyên nghiệp. Họ rất cần được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hoạt động tốt hơn, bồi đắp thêm lòng nhiệt tình, cống hiến cho xã hội.
Nâng cao cả chất và lượng cho đội ngũ làm CTXH, TS. Trần Quang Tiến, Phó Giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương đưa định hướng trong đào tạo nghề CTXH như, điều chỉnh lại chương trình theo hướng tăng cường kỹ năng, tăng thời gian thực hành, thống nhất chương trình đào tạo. Mở rộng mạng lưới các cơ sở thực hành, gắn thực hành với tham gia hoạt động của Hội và các tổ chức cộng đồng. Xây dựng quy trình thực hành tại cộng đồng theo hướng tăng cường tổ chức nhóm sinh viên đi thực hành.
Còn theo ông Nguyễn Đình Toán - Trung tâm phát triển kỹ năng và tri thức CTXH, các mô hình thực tập của sinh viên cần gắn với “hiện tượng” đa dạng của nghề để cung cấp cơ hội thực hành các kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho người yếu thế; kỹ năng lập kế hoạch và xây dựng các can thiệp thích hợp với từng nhóm đối tượng; kỹ năng xây dựng nội dung, thông điệp tư vấn… Điều đó sẽ góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ CTXH yêu nghề, tâm huyết và có kỹ năng, phương pháp làm việc thích hợp. Cần có những điều chỉnh thích hợp trong các chương trình đào tạo để “cho ra lò” một thế hệ nhân viên CTXH tương lai hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và gần gũi với yêu cầu của cuộc sống.
Với mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu chất lượng góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Theo đó, với tổng kinh phí thực hiện 2.347,4 tỷ đồng, đề án đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2010-2015, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Cũng trong giai đoạn này, cần tiến hành xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH, áp dụng ngạch, bậc lương đối với ngạch viên chức.
Giai đoạn 2016-2020 có nhiệm vụ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên CTXH theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và theo nhóm đối tượng. Phát triển đội ngũ cán bộ viên chức ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đan Thảo