Nghề chụp ảnh dạo ở Hà Nội giờ chỉ còn ‘vang bóng một thời’

GD&TĐ - Thập niên 70-80 thế kỷ trước, nghề chụp ảnh dạo ở Hà Nội rất phát triển, nhiều người chọn là “cần câu cơm”, nhưng giờ chỉ còn lại “vang bóng một thời”.

Thợ ảnh Nguyễn Văn Dương và du khách.
Thợ ảnh Nguyễn Văn Dương và du khách.

Vang bóng một thời

Vào những năm thuộc thập niên 70 - 80 của thế kỉ trước, không nhiều người có khả năng sắm cho mình một chiếc máy ảnh, thế nên nghề ảnh nói chung và thợ chụp ảnh dạo nói riêng rất được ưa chuộng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Ở Hà Nội, người làm nghề chụp ảnh dạo tập trung nhiều nhất ở công viên Thống Nhất, khu vực Thủ Lệ, Hồ Gươm, đường Thanh Niên (Hồ Tây).

Thời kì này ảnh màu còn mới lạ với nhiều người và đang bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Hà Nội. Có lẽ trong ký ức của mỗi người thợ chụp ảnh dạo, thời “vang bóng” ấy mãi không thể nào quên.

Theo ghi nhận, tại khu vực quanh Hồ Gươm hiện nay chỉ còn khoảng 10 thợ chụp ảnh tự do. Họ hầu hết là những người đã lớn tuổi.

Ông Nguyễn Văn Dương (61 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số những thợ ảnh hiếm hoi còn “bám trụ” lại với nghề. Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng đều đặn 8h sáng hàng ngày ông Dương lại ra khỏi nhà, tới khu vực Hồ Gươm chụp ảnh cho du khách.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề thợ ảnh, ông Dương cho biết: “Trước thời kỳ xoá bỏ bao cấp, khoảng những năm 1980 - 1986, nghề ảnh chưa thật sự được chú trọng. Khi ấy tôi đi làm công nhân Nhà máy dệt 8/3 rồi đi nghĩa vụ quân sự. Khi tôi rời khỏi quân ngũ cũng chính là thời kỳ xoá bỏ bao cấp, đời sống của người dân được cải thiện. Kinh tế đi lên, mà vật chất đủ đầy thì họ bắt đầu cải thiện về đời sống tinh thần, nghề ảnh cũng theo đó mà phát triển”.

Ngồi trên ghế đá nhìn những người trẻ tuổi chụp ảnh cho nhau bằng điện thoại thông minh, người thợ ảnh già thoáng nét buồn. Ông hồi tưởng lại những năm sau 1986, năm có thể được coi là thời kỳ "vàng son" của nghề chụp ảnh.

Với chiếc máy phim cũ “kế thừa” từ bố, “phó nháy” Văn Dương khi đó mới hơn 20 tuổi, rong ruổi khắp các nẻo đường phố Hà Nội để hành nghề nhiếp ảnh.

“Thời đó, một chiếc máy ảnh được xem như cả một gia tài của người làm nghề. Với mọi người khi ấy được chụp một bức ảnh cũng là niềm hạnh phúc, một kỷ niệm đẹp.

Tiền mua phim cũng rất đắt đỏ, còn việc tráng phim, rửa ảnh ít nhất phải chờ nửa ngày hoặc mất cả buổi, thậm chí là mấy ngày sau mới có ảnh. Ấy thế nhưng vẫn đông khách, ai ai cũng đều háo hức đợi để được cầm trên tay tấm ảnh màu. Những lúc ấy vui vẻ và yêu nghề lắm, cảm giác như mình đã giúp họ lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời mà không phải lúc nào cũng có được”, ông Dương bồi hồi nhớ lại.

Thẳng thắn nhìn nhận hiện thực, ông Dương cho biết: “Ngày xưa xã hội chưa phát triển nên thợ ảnh chúng tôi mới có việc làm. Giờ nghề này đã mất chỗ đứng. Bây giờ hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, người nào có điều kiện nữa thì sắm máy ảnh kỹ thuật số nên không mấy ai còn thiết tha với thợ chụp ảnh dạo chúng tôi. Nhưng cũng có người thấy thương, tội nghiệp mình, họ nhờ chụp vài kiểu để làm kỷ niệm. Chỉ như thế cũng đủ để tôi vui cả ngày”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Lưu giữ lại ký ức

Tuy rằng xã hội phát triển, cơ hội kiếm tiền của nghề chụp ảnh dạo bị thu hẹp lại, song nếu ai đã có cơ hội trải nghiệm đều không thể phủ nhận chất lượng chụp ảnh của các “phó nháy” đường phố.

Bởi lẽ, hơn ai hết những thợ chụp ảnh đã quen với nghề. Họ hầu như đều là những người thợ đã lớn tuổi, có thâm niên vài chục năm. Họ tỉ mỉ hướng dẫn khách tạo dáng, các tư thế đứng, từng cử chỉ tay chân để cho ra bức ảnh ưng ý.

Chị Nguyễn Hoài Chi (30 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ hiện nay hầu như ai cũng chụp ảnh bằng điện thoại, chụp cả trăm tấm nhưng ít khi rửa ra, lưu giữ và xem lại. Đôi khi mất máy là sẽ mất cả ảnh.

“Tôi có cả vài cuốn album ảnh phim, lưu giữ những khoảnh khắc từ lúc còn nhỏ xíu. Có những tấm được ba mẹ cho đi ăn kem Tràng Tiền trên Bờ Hồ, có những tấm chụp khi đi công viên Thủ Lệ, đạp vịt Hồ Tây,… Chất lượng ảnh thời đó thì không phải bàn, những tấm ảnh được ba mẹ tôi rửa ra rồi ép plastic đến nay vẫn còn đẹp nguyên”, chị Hoài Chi hào hứng cho biết.

Với chị Chi, những mảnh ký ức không thể quay ngược lại ấy là những kỷ niệm vô giá được những người thợ ảnh “lưu giữ” lại giúp theo một cách rất riêng.

Có lẽ bởi những kỷ niệm vô giá ấy nên có khi vài ngày ông Dương chẳng chụp lấy được một tấm ảnh, nhưng niềm đam mê và yêu nghề vẫn thôi thúc ông cầm máy đi ra đường mỗi ngày. Với ông, một ngày không xách máy ra đường là không đành.

“Nhiều bữa ốm nằm ở nhà, nhìn bộ đồ nghề nằm một xó cũng không đành lòng. Nếu nói là vì miếng cơm manh áo thì cũng chẳng phải, giá chụp mỗi tấm ảnh là 15 nghìn đồng thôi, ngày chụp được vài tấm thêm thắt chút tiền cà phê, xăng xe chứ không coi đây là "cần câu cơm" như trước đây được nữa. Con cái tôi cũng nhiều lần khuyên tôi ở nhà nghỉ ngơi, thế nhưng nói thật tôi không thể. Chủ yếu là tôi yêu nghề, nhớ nghề và muốn giữ lấy cái nghề, giữ cả thời tuổi trẻ của mình mà thôi”, ông Dương vui vẻ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ