Bất lực nhìn cam rụng khắp vườn
Đến huyện Quỳ Hợp, thủ phủ trồng cam Vinh của xứ Nghệ, cảnh tượng đập vào mắt và những lô cam nối tiếp nhau lá héo úa, quả rụng lăn lóc dưới gốc cây.
Những người trồng cam nhặt quả tấp vào góc vườn, gương mặt buồn bã, pha lẫn bất lực: “Mấy năm chăm sóc, mà chỉ có 3 ngày mưa liên tục là cả vườn cam của gia đình tôi rụng hơn một nửa.
Các hộ xung quanh cũng thế, mưa lớn kéo dài, thời điểm nước cao nhất, có vườn cam ngập sâu đến 1m. Tôi đã mua gấp một máy bơm nước công suất lớn để hút nước từ trong vườn ra ngoài, nhưng vẫn không thể cứu được cam, vì nước từ thượng nguồn đổ về nhanh quá”, anh Nguyễn Phan, một hộ dân trồng cam tại xã Minh Hợp nói.
Cam rụng, hỏng tấp thành đống làm phân bón |
Hầu hết các hộ tại xã Minh Hợp cũng đều chung tình trạng như gia đình anh Điền. Cạm rụng lăn lóc dưới gốc, nhưng lại chưa đủ chín và ngọt để ăn hoặc bán rẻ, nên người dân đành chất đống làm phân bón.
Anh Nguyễn Hữu Huế, trú tại xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp trồng hơn 3 ha cam xã đoài lai ghép. Theo anh Huế, cây cam trồng khoảng 4 năm bắt đầu cho quả. Chi phí mỗi năm chăm sóc vườn cam như làm đất, vun gốc, phân bón… khoảng 100 triệu/ha.
Đến khi cho quả thì phải đầu tư khoảng 200 triệu đồng/ha/1 năm để cung cấp dinh dưỡng cho cây có sức ra quả mùa sau. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều diện tích cam của gia đình anh đã bị ngập lụt, hơn một nửa số cam trên cây đã rụng.
Hiện nay, sau mấy ngày ngừng mưa, nước đã rút nhưng do cây cam đã bị ngâm nước quá lâu nên thối rễ, héo lá và tiếp tục rụng quả.“Chỉ cần có người chạm nhẹ vào cây là quả đã rụng rồi. Chúng tôi không biết phải làm sao nữa. Mùa cam năm nay coi như mất trắng, chỉ mong là cây giống không chết thôi. Chứ đầu tư lại từ đầu để chờ đến lúc cam ra quả thì không biết sống bằng gì”.
Bác Phan Công Hưởng, xã Nghi Diên, Nghi Lộc và bên vườn cam hơn hai 200 gốc đang bị rụng quả |
Ông Hoàng Văn Thái – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho hay: “Theo thống kê,năm 2017 huyện Quỳ Hợp có khoảng 2.500 ha cam, trong đó 1.200 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu trồng các giống cam như: Xã Đoài, Vân Du, VI, V2…
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, người dân trồng cam Vinh ở các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Nghĩa Đàn… cũng đang đối mặt với nguy cơ trắng tay sau mưa lụt. Đây cũng là thời điểm cam sắp vào mùa. Ước tính, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bắt đầu thu hoạch, nhưng hiện tại, những vườn cam vẫn chưa ngừng rụng quả.
Mỗi ngày đem đổ hàng chục triệu đồng
Xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc cũng là vùng cam Xã Đoài ngon nổi tiếng với hàng trăm hộ có vườn trồng cam. Mức giá bán trung bình của loại cam này là 50 nghìn đồng/1 quả. Tuy nhiên, trong đợt mưa lụt vừa rồi, ngoài số hộ ở khu vực cao, nước thoát nhanh vẫn giữ được vườn cam nguyên vẹn, còn đại đa số bị thiệt hại nặng do ngập úng.
Toàn xã ước có khoảng gần 400.000 quả cam đang cho thu hoạch thì số bị hỏng rụng chiếm 1/3, ước tính thiệt hại trên 5,8 tỷ đồng. Chưa kể đến số cam non, hoặc gần chín hiện vẫn đang thi nhạu rụng khắp vườn do cây bị úng nước.
Ông Phan Công Hưởng ở xóm 8, xã Nghi Diên không giấu nổi vẻ lo lắng, xót xa nói: “Vườn cam nhà tôi có khoảng 6.000 quả. Đến thời điểm này, đã bị rụng gần 3.000 quả. Tính ra, gia đình tôi đã mất 200 triệu gồm cả tiền quả lẫn tiền chăm sóc. Không biết đến lúc nào cam mới ngừng rụng”.
Mỗi ngày, người dân Nghi Diên đi đổ hàng chục triệu tiền cam |
Ông Hưởng cũng chia sẻ thêm: Sở dĩ loại cam này đắt bởi vì mọng nước, ngọt và thơm. Không chỉ vậy, giống cam chỉ trồng ở đất của Nghi Diên mới cho ra quả có hương vị đó, còn đem trồng ở đất khác thì không ngon như ở đây.
Thời điểm gần tết, mỗi quả cam có giá lên đến 90.000 – 100.000/1 quả. Nhưng đổi lại đây là loại cây cho quả có múi, ưa sống vùng cao ráo, không chịu được nước.
Trận lụt vừa rồi khiến cho vườn cam nhà nào cũng ảnh hưởng. Cứ vài hôm lại phải dọn hàng thau cam rụng. Thử hỏi mỗi ngày thức dậy lại mang cả hàng chục triệu đồng đi đổ thì ai mà không đau xót ?
Chủ tịch UBND xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc - ông Nguyễn Đức Sơn – cho biết: “Cam Xã Đoài là một loại quả cho giá trị kinh tế cao tại địa phương. Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nên người trồng cam trên địa bàn xã coi như mất trắng.
Hiện người dân trong xã đã nạo vét, khơi thông hệ thống mương rãnh, dùng bơm rút nước ra khỏi vườn, phun thuốc dưỡng rễ và bón phân phù hợp để cứu rễ cây cam. Nếu chậm trễ, toàn bộ rễ cám cây cam bị thối thì không chỉ quả rụng và vườn cam cũng sẽ chết hết”.
Sắp tới địa phương sẽ họp dân, lấy kiến để xây dựng hệ thống đường giao thông gắn với kênh mương tiêu thoát nước trong khu dân cư. Từ đó giúp cây cam Xã Đoài có thể phát triển tốt, tránh những thiệt hại như vừa qua gây hậu quả nặng nề cho bà con nông dân trồng cam”.