Nghệ An: Hơn 311.000 học sinh tham gia Sữa học đường

GD&TĐ - Đề án sữa học đường có ý nghĩa nhân văn, thiết thực đối với học sinh. Với hiệu quả tích cực của Đề án, Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường trong 3 năm tới 2017-2020.

Nghệ An: Hơn 311.000 học sinh tham gia Sữa học đường

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Tài chính… các ban, ngành liên quan và đại diện các huyện, thành thị tham gia chương trình.

Kết thúc năm học 2016 – 2017 toàn tỉnh Nghệ An có 21/21 huyện, thành thị triển khai cho học sinh uống sữa theo Chương trình Sữa học đường với hơn 311.000 học sinh mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỷ lệ 69%, tăng 19% so với năm học trước). Đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều huyện đạt tỷ lệ trên 80% học sinh tham gia, trong đó có huyện Quỳ Châu đạt tới 94%.

Qua 2 năm thực hiện chương trình Sữa học đường, đánh giá thể lực học sinh của 17 huyện cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi ở các trường mầm non và tiểu học giảm trung bình từ 2,78 - 2,85%; suy dinh dưỡng chiều cao giảm trung bình từ 2,39 - 2,75%.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã có báo cáo tham luận về quá trình thực hiện cũng như ý nghĩa của chương trình trên thực tế của mỗi địa phương. Theo đó, chương trình đã bắt đầu tạo được ý thức và thói quen uống sữa, bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao sức khỏe cho độ tuổi phát triển thể lực và trí lực.

Đặc biệt, việc triển khai Đề án giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sữa tại trường do có sự phối hợp thẩm định, giám sát của ngành Giáo dục, Y tế. Tỉnh cũng thực hiện cơ chế hỗ trợ chi phí sử dụng sản phẩm sữa cho học sinh: học sinh diện hộ nghèo được hỗ trợ 100%; học sinh thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%; các học sinh còn lại được hỗ trợ 30%.

Theo đó, tổng chi phí uống sữa và vận hành đề án gần 318 tỷ đồng, bao gồm phụ huynh đóng góp gần 165 tỷ đồng, hỗ trợ của UBND tỉnh và tập đoàn TH hơn 153 tỷ đồng (trong đó TH ủng hộ 138 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Cơ sở vật chất các trường học còn hạn chế trong bố trí kho, kệ sữa đạt chuẩn; Công tác giao nhận sữa đến các trường và điểm trường vùng cao, vùng xa; Nhiều trường gặp khó khăn trong việc bố trí nhân lực để tham gia hoạt động của chương trình.

Ngoài ra, tại một số địa phương, phụ huynh còn băn khoăn về giá sữa, chưa phong phú về chủng loại, lượng sữa trong hộp nhiều so với độ tuổi mầm non, các cháu uống không hết gây lãng phí...

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn TH – đơn vị đồng hành của chương trình Sữa học đường – ghi nhận những góp ý của các huyện và cho biết sẽ tiếp tục khắc phục và cải thiện để chương trình vận hành tốt hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông khẳng định: Đề án sữa học đường có ý nghĩa nhân văn, thiết thực đối với học sinh. Với hiệu quả tích cực của Đề án, Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường trong 3 năm tới 2017-2020, và giao cho Sở Y tế tham mưu, trình UBND tỉnh và thường vụ tỉnh ủy. Đồng thời, mong muốn tập đoàn TH tiếp tục là đơn vị đồng hành cùng với tỉnh Nghệ An thực hiện Đề án.

Trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông về chương trình Sữa học đường để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân. Đồng chí cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh xã hội hóa để nhiều hơn nữa học sinh được thụ hưởng chương trình, đặc biệt là những em thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tặng bằng khen cho 13 tập thể có hoạt động tích cực, xuất sắc trong triển khai, mở rộng chương trình Sữa học đường năm học 2016 – 2017.

Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học đề ra các mục tiêu chính: Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90 -95% vào năm 2020; Đến 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Nghệ An: Hơn 311.000 học sinh tham gia Sữa học đường ảnh 1Nghệ An: Hơn 311.000 học sinh tham gia Sữa học đường ảnh 2Nghệ An: Hơn 311.000 học sinh tham gia Sữa học đường ảnh 3Nghệ An: Hơn 311.000 học sinh tham gia Sữa học đường ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ