Nghệ An: Học tạm nhiều năm vì trường thiếu phòng

GD&TĐ - Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) phải gửi một số lớp đi học tạm tại nơi khác do cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học.

Học sinh khối 4 Trường Tiểu học Trường Thi học tạm tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh.
Học sinh khối 4 Trường Tiểu học Trường Thi học tạm tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh.

Năm học 2021 - 2022, khối 4 của trường được chuyển sang Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã kiến nghị về những bất cập, không phù hợp khi tổ chức dạy học tại trung tâm trên. 

Phụ huynh kiến nghị vì con em phải đi học nhờ

Vừa qua, phụ huynh khối 4, Trường Tiểu học Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) có kiến nghị lên nhà trường, ngành Giáo dục về việc chuyển đổi cơ sở học tập của con em. Theo đó, khối lớp 4 hiện không được học tập tại Trường Tiểu học Trường Thi, thay vào đó là “học nhờ” tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh.

Trong đơn kiến nghị của phụ huynh nêu, việc chuyển đổi cơ sở học tập này nảy sinh nhiều bất cập. Do là trường dạy nghề nên không thể đảm bảo cơ sở vật chất chuẩn như một trường tiểu học. Phòng học không đủ quạt mát khi thời tiết nắng nóng. Một số lớp học tại tầng 3, nhưng chỉ có một nhà vệ sinh chung ở tầng 1 của dãy nhà khác. Không có nơi sinh hoạt tập thể của môi trường học đường. Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh ở khác phường, không đảm bảo an toàn giao thông khi ông bà, bố mẹ đưa đón con phải di chuyển qua đường quốc lộ. Chưa kể một số cháu phải tự đi bộ do gia đình không có ai đưa đón.

Phụ huynh cũng nêu thêm bất cập khác, là tại trường nghề này có nhiều đơn vị cùng thuê cơ sở vật chất, có nhiều người lạ, nguy cơ không đảm bảo an toàn cho con em mình. 

Phụ huynh cũng nêu thêm bất cập khác, là tại trường nghề này có nhiều đơn vị cùng thuê cơ sở vật chất, có nhiều người lạ, nguy cơ không đảm bảo an toàn cho con em mình. Trong khi đó, về cơ sở vật chất, phường Trường Thi được coi là cửa ngõ trung tâm của TP Vinh, hàng năm đều có ngân sách của Nhà nước ưu tiên cho ngành Giáo dục. Mọi khoản thu ngân sách do Nhà nước quy định phụ huynh học sinh đều đóng góp và thực hiện đầy đủ.

Vì vậy, phụ huynh không chấp nhận và đồng tình với việc chuyển cơ sở học tập của các con. Thực tế có nhiều người do bất tiện, không sắp xếp được việc đưa đón con ngày 4 lần (học 2 buổi/ngày và không ăn bán trú buổi trưa – PV) nên đề nghị chuyển trường cho con để thuận lợi hơn. Với những lý do này, phụ huynh khối 4 Trường Tiểu học Trường Thi đề nghị các ban, ngành có thẩm quyền giải quyết chính đáng để con em được quay trở về học tại Trường Tiểu học Trường Thi, để các cháu ổn định tâm lý và học tập.

Phía sau dãy nhà cấp 4 xuống cấp, thấm dột, nhà trường phải dùng bạt phủ kín.
Phía sau dãy nhà cấp 4 xuống cấp, thấm dột, nhà trường phải dùng bạt phủ kín. 

Nhiều năm liền mượn phòng cho học sinh

Cô Lê Thị Hồng Lam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi, TP Vinh - thông tin, nhà trường đã nhận được kiến nghị của phụ huynh, và có gặp mặt trực tiếp với từng cá nhân và đại diện cha mẹ học sinh khối 4. Việc phải gửi học sinh đi học tạm tại cơ sở khác là có thật, không chỉ riêng năm học này, mà diễn ra từ nhiều năm trước. Do cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp, quy mô học sinh ngày càng lớn, dự kiến tiếp tục tăng, trong khi số phòng học chưa được nâng cấp, mở rộng.

Trường Tiểu học Trường Thi có 25 phòng học, nhưng năm học 2020 - 2021 có 38 lớp, còn năm học này tăng lên 40 lớp. Cô Lê Thị Hồng Lam cho biết: “Trước đây, nhà trường mượn 7 phòng học của Trường THCS Trường Thi, cùng trong phường, để thuận tiện cho phụ huynh trong đưa đón con. Nhưng phía cấp 2 năm học này cũng tăng quy mô học sinh, không thể mượn lâu dài. Vì vậy, nhà trường đã báo cáo với chính quyền địa phương để có phương án giải quyết. Việc mượn cơ sở vật chất cho học sinh tiểu học rất khó khăn, liên quan đến đảm bảo điều kiện an toàn dạy học. Qua khảo sát các cùng lân cận, nhà trường mới thuê cơ sở vật chất tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh”.

Theo cô Lê Thị Hồng Lam, qua cân nhắc, nhà trường quyết định đưa toàn bộ khối 4 sang học tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh. Đồng thời dọn dẹp vệ sinh,  chuyển các thiết bị như: Tivi, máy chiếu, bàn ghế, các đồ dùng khác để đảm bảo dạy học. Do trung tâm được xây dựng phục vụ dạy nghề, nhiều phòng không phù hợp với lớp học văn hóa. Vì thế, học sinh khối 4 khi sang đây được phân bố ở 3 dãy nhà khác nhau. Nhà trường cũng gia cố, đóng thêm thanh sắt lên lan can để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, phần lớn thời gian các trường tiểu học của TP Vinh dạy học trực tuyến. Từ tháng 4, mới được quay lại hoạt động bình thường, dạy - học 2 buổi/ngày, thì vấn đề mà phụ huynh nêu ra và kiến nghị mới bức thiết. Trước đó, khi tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp, kể cả sau khi tan học, đợi giao đủ học sinh cho phụ huynh mới được về. Đảm bảo học sinh đến trường lúc nào cũng có giáo viên trông chừng, theo dõi. “Phụ huynh cũng rất thấu hiểu và chia sẻ với nhà trường. Nhưng nguyện vọng và yêu cầu quyền lợi cho con em về cơ sở vật chất, môi trường học tập là chính đáng. Chúng tôi đã cố gắng khắc phục, song việc xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường học là vượt quá khả năng của nhà trường”, cô Lê Thị Hồng Lam cho hay.

Sẽ xây dựng trường học mới đảm bảo cơ sở vật chất

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi cho biết, sau khi nhận kiến nghị của phụ huynh khối 4, nhà trường đã báo cáo với chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT TP Vinh. “Trước mắt, theo chỉ đạo của cấp trên, nhà trường dừng cho khối 4 học tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề TP Vinh. Thay vào đó, tiếp tục mượn 8 phòng học của trường cấp 2. Bắt đầu từ tuần này (12/4) các em khối 4 đã đi học tại Trường THCS Trường Thi”, cô Lê Thị Hồng Lam thông tin.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi chia sẻ thêm, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học không chỉ ảnh hưởng riêng khối 4, mà còn xáo trộn trong hoạt động giáo dục, sinh hoạt chuyên môn chung của trường. Nhiều hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao khó triển khai do thiếu phòng chức năng. Thời khóa biểu, sơ đồ phòng học thay đổi liên tục, vì ngoài giáo viên chủ nhiệm dạy văn hóa, còn có các tiết năng khiếu, Tiếng Anh, Tin học… Việc tổ chức bán trú đang tạm dừng. Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường tiếp nhận và giải quyết cho hơn 20 học sinh chuyển trường theo nguyện vọng của phụ huynh. Mong muốn của phụ huynh cũng như nhà trường là sớm có cơ sở vật chất trường lớp mới, đầy đủ để cô trò yên tâm dạy học.

Từ năm 2016, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Trường Tiểu học Trường Thi được UBND TP Vinh phê duyệt với tổng kinh phí 38 tỷ đồng. Quy mô xây dựng 16 phòng học, nhà hiệu bộ và nhiều công trình liên quan. Để thực hiện dự án, phải bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 26 hộ dân.

Từ năm 2016, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Trường Tiểu học Trường Thi được UBND TP Vinh phê duyệt với tổng kinh phí 38 tỷ đồng. Quy mô xây dựng 16 phòng học, nhà hiệu bộ và nhiều công trình liên quan. Để thực hiện dự án, phải bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 26 hộ dân.

Theo ông Hoàng Anh Tiến – Chủ tịch UBND phường Trường Thi, việc triển khai dự án mở rộng trường tiểu học trên địa bàn chậm so với kế hoạch do không đồng bộ về thiết kế, giải phóng mặt bằng… Hiện, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Tuy nhiên, xem xét lại quy mô đầu tư 16 phòng học mới vẫn thiếu so với số lượng học sinh. Vì vậy, phường đã làm tờ trình và được HĐND, UBND TP Vinh, Sở Xây dựng đồng ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng Trường Tiểu học Trường Thi. Trong đó cho điều chỉnh quy mô nhà học từ 2 tầng, 16 phòng học lên 3 tầng, 30 phòng học; bổ sung trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị dạy học.

“Hiện, hồ sơ dự án cơ bản đã hoàn thành. Phường cũng đã lập hồ sơ mời nhà thầu mới sau khi nhà thầu cũ xin rút. Dự kiến khi hoàn thành đấu thầu, phường sẽ bám sát các đơn vị liên quan để đẩy nhanh thực hiện dự án trong tháng 5. Mục tiêu sau đó 4 tháng sẽ hoàn thành hạng mục phòng học, nhà hiệu bộ để bước vào năm học mới 2022 - 2023, Trường Tiểu học Trường Thi có cơ sở vật chất đảm bảo cho toàn bộ học sinh được học tập tại trường”, ông Hoàng Anh Tiến – Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.