Nghệ An: Giữ học sinh bán trú ở lại trường tránh rét

GD&TĐ -  Ngày 11/1, khu vực miền núi cao Nghệ An rét đậm, rét hại dưới 10 độ. Nhiều huyện đã cho toàn bộ trẻ mầm non nghỉ học. Các trường tiểu học, THCS vùng sâu, biên giới cũng linh hoạt lịch học phù hợp với thời tiết.

Học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) đốt củi sưởi ấm trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) đốt củi sưởi ấm trong giờ ra chơi.

Đốt củi sưởi ấm

Tương Dương là huyện vùng cao rộng lớn nhất của Nghệ An, trong đó có vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, và các xã, bản nơi tập trung bà con người Mông sinh sống, thời tiết khắc nghiệt. Ngày 11/1, nhiệt độ trên địa bàn dao động từ 5 – 7 độ. Vì vậy, tất cả trường mầm non trên địa bàn đã cho trẻ ở nhà. Ngoài ra, còn có 6 trường tiểu học: Lưu Kiền, Lượng Minh, Mai Sơn, Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Thắng cho học sinh nghỉ học.

Thầy Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh cho biết: Sáng 11/1 trời rét đậm nên trường đã cho học sinh nghỉ học. Lượng Minh là xã rộng lớn, nằm dọc sông Nậm Nơn, có tới 7 điểm trường tiểu học. Có 2 bản Xốp Cháo và Cà Moong nằm tách biệt trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Điều kiện kinh tế gia đình học sinh hầu hết đang khó khăn, vật dụng sinh hoạt, mặc ấm thiếu thốn. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, nhà trường cho học sinh nghỉ, đến khi thời tiết ấm hơn sẽ bố trí học bù.

Học sinh vùng cao Nghệ An mang theo củi đi học để đốt lửa sưởi ấm.
Học sinh vùng cao Nghệ An mang theo củi đi học để đốt lửa sưởi ấm.

Còn tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, học sinh ở 5 điểm bản vẫn đi học. Tuy nhiên, nhà trường linh hoạt lịch học, cho các em vào học muộn hơn từ 8h30 – 9h để bớt sương giá. Giờ ra chơi, thầy cô kiếm củi đốt lửa giữa sân trường để tăng hơi ấm cho trò.

Tương tự, tất cả trường mầm non công lập và 1 cơ sở ngoài công lập của huyện Con Cuông đã cho trẻ nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Còn với trường Tiểu học và THCS, thời gian vào lớp được bố trí muộn hơn bình thường. Thời tiết giá rét, các trường cũng không tổ chức hoạt động ngoài trời, mà dạy học trong lớp để giữ ấm cho học sinh.

Ông Lê Thanh An – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết, Phòng đã chỉ đạo các trường theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ giảm sâu. Đồng thời yêu cầu các cán bộ, giáo viên tại các trường học trên địa bàn làm tốt công tác phòng, chống rét cho học sinh, chăm sóc học sinh bán trú. Khi thời tiết ấm lên sẽ vận động học sinh ra lớp đảm bảo sĩ số, tổ chức dạy học bình thường.

Điểm lẻ Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm sát nhà dân bản.
Điểm lẻ Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm sát nhà dân bản.

Nuôi học sinh bán trú mùa rét

Trong 2 ngày qua, nhiệt độ các xã tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đang ở mức từ 1 – 5 độ, nơi ấm nhất là 7 độ. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, toàn bộ trẻ mầm non trên địa bàn đã nghỉ học. Ngoài ra, học sinh 41 trường Tiểu học và THCS dọc tuyến biên giới Việt - Lào và những trường vùng cao, tập trung đông học sinh là người Mông cũng nghỉ học như: Nậm Càn, Na Ngoi Bắc Lý, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Mường Lống, Mường Típ... Các trường còn lại ở trung tâm hoặc khu vực thấp hơn vẫn đang đi học.

Kỳ Sơn là huyện tổ chức bán trú cho bậc tiểu học có quy mô đông nhất Nghệ An với hơn 40 trường. Sau khi thông báo nghỉ học do nhiệt độ xuống thấp, một số trường có học sinh bán trú nhà xa đã giữ các em lại để đảm bảo an toàn.

Trường Tiểu học Na Ngoi 2, huyện Kỳ Sơn đã cho học sinh nghỉ do trời rét đậm và sương mù
Trường Tiểu học Na Ngoi 2, huyện Kỳ Sơn đã cho học sinh nghỉ do trời rét đậm và sương mù

Sáng nay, Trường Tiểu học Na Ngoi 2 đã thông báo để toàn bộ học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, hiện có 30 học sinh bán trú, nhà ở xa, trời rét nên nhà trường cho các em ở lại. Toàn bộ các em bán trú này được tập trung vào 1 phòng. Thầy cô ở lại trực chăm lo ăn uống cho học trò. Mặc dù đốt thêm củi để sưởi ấm, song do phòng ở ghép bằng gỗ, dù đã được quây bạt nhưng gió vẫn lùa vào rét buốt.

Theo thầy Lâm Nguyên Ngọc – hiệu trưởng nhà trường, xã Na Ngoi là nơi rét hơn so với các vùng khác trong huyện, vì nằm ở dưới dãy Pu Xai Lai Leng, cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Trong 5 năm thầy về đây công tác, đây là năm rét nhất, nhiệt độ tại trường đã xuống khoảng 1 độ.

Khu nhà ở bán trú của học sinh Tiểu học Na Ngoi 2 dựng bằng gỗ và căng bạt để che bớt gió lạnh lùa vào.
Khu nhà ở bán trú của học sinh Tiểu học Na Ngoi 2 dựng bằng gỗ và căng bạt để che bớt gió lạnh lùa vào.

Trường PTDTBT THCS Nậm Típ là trường chung của học sinh 2 xã biên giới Mường Ải, Mường Típ. Những ngày qua, nhiệt độ tại khu vực này đã xuống dưới 10 độ song nhà trường vẫn đang duy trì dạy học. Năm học này, trường có 301/417 học sinh bán trú, chiếm hơn 75%. Vì vậy, đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em trong học tập và sinh hoạt là nhiệm vụ quan trọng của trường trong thời điểm giá rét này.

Thầy Võ Đình Hào – Phó hiệu trưởng, phụ trách quản lý nề nếp cho biết: Chúng tôi đã đem hết chăn đệm trong kho ra để bổ sung cho các phòng ở bán trú. Trước đó, nhiều đơn vị hảo tâm tặng áo ấm, nhà trường cất trữ (nếu phát đồng loạt, học sinh dễ làm mất, không bảo quản) nay cũng đem ra cho các em. Hiện khu vực bán trú của trường đã được xây dựng dãy nhà 2 kiên cố, kín đáo, không còn lán tạm dựng bằng tranh tre nứa. Về bữa ăn bán trú, nhà trường duy trì trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, cá, ếch để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

Học sinh ở lại nội trú đốt lửa sưởi ấm.
Học sinh ở lại nội trú đốt lửa sưởi ấm.

Thời điểm này, học sinh ở huyện Kỳ Sơn cũng đang ở tuần cuối cùng của học kỳ I và dự kiến các em sẽ kiểm tra học kỳ trong tuần này. Nhưng do thời tiết bất lợi nên những trường học sinh nghỉ học, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo lùi thời gian kiểm tra. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng cho biết: "Đa phần các trường học trên địa bàn đều có học sinh bán trú. Vì thế chúng tôi đã chỉ đạo các trường cần tăng cường các giải pháp để chống rét cho học sinh, đốt củi để sưởi ấm. Trong một vài ngày tới, thời tiết vẫn tiếp tục giá lạnh nên học sinh có thể vẫn tiếp tục nghỉ học. Khi thời tiết ấm lên sẽ cho các em đi học trở lại và dạy bù để kịp chương trình".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.