(GD&TĐ) - Cơ cấu "dân số vàng" là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. "Dân số vàng" đồng nghĩa với sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu chưa từng có. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già.
->> Băn khoăn đại học hóa ở vùng núi
Dân số vàng, cơ hội vàng
Giống như cả nước, Nghệ An đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng”, nghĩa là tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi trong độ tuổi phụ thuộc (người già, trẻ em). Với cơ cấu này, kinh tế Nghệ An đã bước đầu đã có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó có việc giảm tỉ trọng của lao động nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỉ trọng của lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2020: Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ. Để đạt được mục tiêu trên, Nghệ An dồn sức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và coi đó là giải pháp cơ bản để đảm bảo việc làm cho người lao động trước yêu cầu hội nhập và sự cạnh tranh, phát triển và cũng là đảm bảo an sinh xã hội trước mắt lẫn lâu dài.
Hiện Nghệ An đang có 2 trường ĐH đa ngành, 5 trường CĐ, 12 trường TCCN nghiệp và dạy nghề, 42 trung tâm dạy nghề, với 1.277 giáo viên và 43.468 HSSV các cấp, hệ đào tạo. Những năm gần đây, việc đào tạo đã có sự điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, tăng quy mô và tốc độ đào tạo nghề hơn so với đào tạo cao đẳng, đại học dưới nhiều hình thức (công lập, bán công, dân lập, liên kết trong nước và quốc tế…). Thực hiện phân luồng 10 - 12% học sinh tốt nghiệp THCS và 20 - 22% tốt nghiệp THPT vào học nghề.
Trong những năm qua, trình độ học vấn của lao động Nghệ An đã được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho việc tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất.
Nhu cầu nhân lực chất lượng cao luôn đặt ra cho sự phát triển |
"Thừa thầy thiếu thợ" - Nghệ An không phải ngoại lệ
Cho đến thời điểm này, hệ thống các trường chuyên nghiệp ở Nghệ An phát triển mạnh. Đặc biệt sự phát triển các trường tư thục (2 ĐH, 1 CĐ, 5 TCCN), cùng với các trường công lập đã và đang đáp ứng đủ không những nhu cầu của người học trong tỉnh và cả các địa phương khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó, mạng lưới trường ĐH, CĐ với một hệ thống mã ngành đào tạo đa dạng đáp ứng đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội (Y tế, GD&ĐT, VHNT, KTKT, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ Sinh học..).
Tuy nhiên, là tỉnh đông dân thứ tư toàn quốc, Nghệ An cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ - tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao. Nguồn nhân lực hạn chế về trình độ chắc chắn sẽ là rào cản lớn trong việc cạnh tranh giữa một thị trường lao động mở như hiện nay. Bên cạnh đó, còn vấn đề đặt ra là làm sao để đào tạo gắn với việc làm, đào tạo gắn với quy hoạch nguồn nhân lực. Nghệ An đang rơi vào tình trạng mất cân đối giữa đào tạo ĐH, TCCN chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật. Dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” này, khách quan bởi quy hoạch mở trường, mở ngành chưa hợp lý. Bên cạnh đó, Nghệ An là tỉnh có truyền thống học hành khoa bảng, vì thế tâm lý chung của người học đều mong muốn được vào đại học.
Chính sự đa dạng của các loại hình đào tạo và việc mở trường nhiều cũng làm nảy sinh mất cân đối trong đào tạo. Đặc biệt, nó tác động vào tâm lý chung của xã hội sẵn muốn học lên cao, thay vì học trung cấp, lại chọn lựa các trường cao đẳng, hoặc đại học. Thêm nữa, việc vào học ở những trường ĐH hiện cũng không còn quá khó như nhiều năm trước.
Thế nên, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, một số ngành không tuyển được học sinh. Như Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Nghệ An được coi là đỉnh điểm của “khủng hoảng” trong mùa tuyển sinh 2013, nếu năm 2012 trường này nhận được 5.914 hồ sơ đăng ký dự thi thì con số hồ sơ đăng ký dự thi của năm 2013 chỉ còn 1.500 hồ sơ, giảm tới 4.414 hồ sơ.
Bên cạnh đó, đang xuất hiện một nghịch lý khác nữa là số học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp khó tìm kiếm việc làm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên các khu công nghiệp, doanh nghiệp phát triển chậm. Vì vậy, một số học sinh tốt nghiệp TCCN phải tiếp tục học liên thông lên CĐ, ĐH. Điều này cũng đưa đến dự báo một thời gian không xa, khi kinh tế hồi phục, Nghệ An sẽ thiếu nhân lực có tay nghề cao, nhân lực trung cấp.
Đào tạo và quy hoạch phải gắn với thực tế địa phương
"Thuận lợi thì ai cũng thấy, đó là được các cấp quản lý quan tâm, kinh tế phát triển có nhiều điều kiện cho đầu tư phát triển. Nhưng trái lại tìm được tiếng nói chung cho đào tạo và quy hoạch nguồn nhân lực là chưa có. Ví dụ như các chính sách ưu tiên trong đào tạo các ngành sư phạm rất nên có. Mặc dù thực tế là nhân lực cho ngành giáo dục đã gần như bão hòa, điều trọng yếu hiện nay phải là chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo" - PGS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phân tích.
PGS. TS Đinh Xuân Khoa cho rằng còn cần quan tâm hơn đến ngành sư phạm, nên miễn học phí cho nhóm ngành này. Và quan trọng không kém đó là nhân lực cho khu vực nông – lâm – ngư đang thiếu trầm trọng trong khi có đến 80% người dân gắn bó với nông nghiệp và nông thôn. Tức là phải tính toán để việc đào tạo gắn với sử dụng nguồn nhân lực.
Để giải quyết bài toán đào tạo gắn với quy hoạch nguồn nhân lực, tỉnh Nghệ An đang quyết liệt đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp, trong đó chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển, các dự án khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp nhỏ và khu kinh tế Đông Nam, đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông nghiệp - nông thôn; khôi phục và phát triển làng nghề, kinh tế trang trại… Coi trọng xuất khẩu lao động ra nước ngoài xem đó không chỉ để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho việc tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng lao động. Đó cũng là lời giải cho bài toán mất cân đối ngành nghề trong đào tạo.
Theo TS Nguyễn Văn Thành - Trưởng ban Nguồn nhân lực xã hội, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguồn nhân lực dồi dào không có nghĩa tất yếu là kinh tế tăng trưởng mạnh, nó phải đi đôi với chất lượng cao mới có thể tạo thành những bứt phá. Về mặt lý thuyết, giai đoạn này không kéo dài vĩnh viễn mà chỉ trong một thời gian nhất định, từ 40 - 50 năm, tùy mỗi quốc gia. Tiếp theo sẽ là giai đoạn dân số già, kèm theo đó là hàng loạt gánh nặng về an sinh xã hội mà ngay ở các quốc gia kinh tế phát triển cũng là một gánh nặng. Câu chuyện nguồn nhân lực ở Nghệ An, một tỉnh đông dân cư thứ tư cả nước, vừa có đô thị lớn lẫn đô thị các loại thấp hơn, vừa có nông thôn, miền núi, lại có cả hệ thống sân bay, cảng biển, khu công nghiệp lớn... cho thấy một bức tranh đa dạng và phức tạp về việc quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển, tránh rơi vào tình trạng "già trước khi giàu". |
Dĩ Hạ