Theo đó, điểm trung bình 9 môn thi Tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An năm 2022 đạt 6,44 và xếp thứ 20 toàn quốc. Nếu chỉ tính riêng thí sinh dự thi là học sinh lớp 12, Nghệ An xếp thứ 23 toàn quốc. Kết quả này tăng 14 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 34).
Cụ thể, môn Toán xếp thứ 34 cả nước, điểm trung bình toàn tỉnh là 6,319 (năm 2021 xếp thứ 36, điểm trung bình 6,470).
Môn Ngữ văn xếp thứ 7 cả nước, điểm trung bình 7,209 (năm 2021 xếp thứ 6, điểm trung bình 7,023).
Môn Vật lý xếp thứ 19 cả nước, với điểm trung bình là 6,942 (năm 2021 xếp thứ 28, điểm trung bình là 6,606).
Môn Hóa học xếp thứ 10 cả nước, điểm trung bình 7,088. Với điểm số này, điểm thi môn Hóa học tăng 22 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 32, điểm trung bình là 6,654).
Môn Sinh học xếp thứ 42 cả nước, điểm trung bình là 4,947 (năm 2021 xếp thứ 59, điểm trung bình là 5,163)
Môn Lịch sử xếp thứ 22 cả nước, điểm trung bình là 6,413. Điểm môn Lịch sử của Nghệ An cũng tăng đáng kể, vượt 27 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 49 cả nước, điểm trung bình 4,763).
Môn Địa lý xếp thứ 27 cả nước, điểm trung bình 6,693 (năm 2021 xếp thứ 35, điểm trung bình 6,939).
Môn Giáo dục công dân xếp thứ 36 cả nước, điểm trung bình 7,968 (năm 2021 xếp thứ 41, điểm trung bình 7,968).
Môn Tiếng Anh xếp thứ 47 cả nước, điểm trung bình 4,557, tăng 5 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 52, điểm trung bình 4,966).
Nghệ An đặt mục tiêu xếp thứ 28 toàn quốc điểm trung bình môn thi Tốt nghiệp THPT. Với kết quả xếp thứ 20, tỉnh đã vượt mục tiêu đề ra tại kỳ thi này.
Thí sinh Nghệ An dự thi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Cũng qua thống kê ban đầu, toàn tỉnh Nghệ An có 239 điểm 10. Trong đó, thí sinh đạt điểm cao không chỉ ở thành phố Vinh, các trường chuyên, trường trọng điểm mà còn đến từ nhiều trường THPT vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh.
Đây là kết quả đáng ghi nhận về chất lượng giáo dục đại trà của Nghệ An trong bối cảnh năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỉnh có số lượng thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT đông thứ 4 cả nước, trên địa bàn có nhiều đơn vị trường học ở miền núi cao, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học trực tiếp và trực tuyến còn thiệt thòi.
Trao đổi về kết quả thi Tốt nghiệp THPT năm nay, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, năm học vừa qua, ngành triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông - một giải pháp mang tính đột phá thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Nội dung cốt lõi trong công tác đảm bảo chất lượng là quá trình và quy trình xây dựng chuẩn đầu ra có yếu tố đảm bảo chất lượng cao hơn.
Nghệ An cũng là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành kế hoạch và triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Sau khi mô hình được tỉnh phê duyệt, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các đơn vị giáo dục triển khai bài bản, chặt chẽ, khoa học, bám sát chặt chẽ từng tổ bộ môn cũng như mỗi môn học cụ thể.
Thực hiện mô hình này, các trường trực thuộc và Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị cam kết chất lượng và chịu trách nhiệm với Sở; tổ chuyên môn, giáo viên cam kết về chất lượng dạy học và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng.
Trong mô hình đó, kết quả đầu vào, đầu ra được công khai, minh bạch. Quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng với cam kết đầu ra được giao trách nhiệm cụ thể từ cán bộ quản lý đến giáo viên, dưới sự giám sát của ngành cũng như của phụ huynh học sinh.
Đối với cấp THPT, các đơn vị đã xây dựng chương trình nhà trường, có kế hoạch đảm bảo chất lượng với mục tiêu cụ thể đối với từng bộ môn. Từ đó tạo phong trào thi đua dạy học, ôn thi đạt kết quả cao trong giáo viên, học sinh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, năm đầu tiên triển khai, kết quả từ kỳ thi Tốt nghiệp THPT đã ghi nhận và thể hiện được hiệu quả của công tác đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Đây cũng là động lực để toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong thời gian tới.