Nghệ An: Công nhân nhiễm bụi phổi silic đang 'sống mòn' chờ chế độ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bệnh bụi phổi silic nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Vợ chồng anh Dương Văn Chính chờ kết quả giám định bệnh nghề nghiệp để nhận chế độ.
Vợ chồng anh Dương Văn Chính chờ kết quả giám định bệnh nghề nghiệp để nhận chế độ.

Dù mắc bệnh bụi phổi silic, nhưng hàng chục công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn chưa được xác định bệnh nghề nghiệp và hưởng chế độ bảo hiểm.

Kiệt quệ vì căn bệnh quái ác

Gần 2 năm qua, cứ đều đặn hàng tháng, anh Dương Văn Chính (SN 1989, trú tại xóm 1, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc, Nghệ An) lại phải vào bệnh viện khám và điều trị căn bệnh bụi phổi silic. Mỗi lần vào viện, ít thì mất hơn 1 triệu đồng, nhiều thì từ 5 - 6 triệu đồng tiền thuốc. Căn bệnh quái ác này lấy đi hết của cải mà vợ chồng anh Chính tích góp suốt bao năm qua.

Trước khi đổ bệnh, người đàn ông này làm công nhân tại Công ty TNHH Châu Tiến (gọi tắt là Công ty Châu Tiến; đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc). Ngoài anh Chính, hàng chục công nhân khác làm việc tại đây cũng bị bệnh bụi phổi silic.

“Đợt này tôi ho cả ngày lẫn đêm, phải uống thuốc hàng ngày. Giờ tôi chỉ ở nhà làm mấy việc lặt vặt quanh quanh chứ không đi làm được gì nữa. Không những mang bệnh mà còn là gánh nặng cho cả vợ con, bố mẹ”, anh Chính buồn rầu nói.

Người đàn ông này nhớ lại, tháng 4/2017, anh được tuyển dụng vào làm việc ở bộ phận lái xe nâng của Công ty Châu Tiến. Một thời gian sau, anh được bổ nhiệm làm tổ phó rồi tổ trưởng bộ phận tách hạt. Theo anh Chính, đây là một trong những bộ phận có nhiều bụi nhất trong các dây chuyền của công ty.

Quá trình làm việc tại đây, anh Chính và các công nhân được cấp 2 bộ đồ trong 1 năm cùng với một chiếc mũ bảo hộ. Trong khi đó, công ty không cung cấp khẩu trang chuyên dụng khi làm việc trong môi trường độc hại, vì thế mà công nhân phải tự mua khẩu trang vải để sử dụng.

Theo anh Chính, công việc chủ yếu ở đây là xay bột đá để bán. Quá trình làm việc, dù môi trường nhiều bụi nhưng anh và những công nhân khác không nghĩ mình sẽ bị bệnh. Chỉ đến khi thấy sức khỏe yếu, người đàn ông này đi khám mới sững sờ khi biết mình mắc phải căn bệnh nguy hiểm “chết người”.

“Tháng 10/2022, tôi nghỉ ở công ty. Đợt đó đang đi làm bình thường thì thấy người mệt mỏi nên xin nghỉ để đi khám. Bác sĩ bảo bị bệnh bụi phổi silic phải chuyển ra Hà Nội khám và điều trị. Tôi điều trị hơn 1 tháng rồi về, nhưng không đi làm được nữa vì không đủ sức khỏe”, anh Chính nhớ lại.

Có cảnh ngộ tương tự, chị Đặng Thị Thắm (SN 1980, trú tại xóm Trung Sơn, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) vào làm việc tại Công ty Châu Tiến từ tháng 3/2018 ở bộ phận đóng bột đá vào bao tải.

Đây là khu vực phát sinh bụi nhiều nhất của dây chuyền. Quá trình làm việc, vì không được công ty trang bị mặt nạ khẩu trang chuyên dụng nên chị Thắm phải mua khẩu trang vải trùm kín mặt. Tuy nhiên, khi kết thúc ca làm việc, mặt mũi của chị đều trắng xóa vì bụi bám vào.

Sau 3 năm gắn bó, đến tháng 2/2021, chị Thắm thấy sức khỏe yếu hẳn, thường xuyên bị ốm và ho nhiều nên chị đến viện thăm khám. Kết quả cho thấy chị Thắm bị bệnh viêm phổi.

Sau thời gian đó, chị Thắm xin nghỉ việc ở nhà, thỉnh thoảng lại phải đi viện khám bệnh và lấy thuốc về uống. Cuối năm 2023, sau khi cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt công nhân làm việc tại Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi, chị Thắm cũng được liệt kê vào danh sách thăm khám.

“Mấy năm qua, thấy người mệt mỏi, mắc hết bệnh này đến bệnh khác, ho cả ngày lẫn đêm. Làm việc nhẹ thôi chứ nặng tý là không thở được. Giờ mới biết mình mắc bệnh phổi”, chị Thắm cho hay.

Nhà máy sản xuất bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến.

Nhà máy sản xuất bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến.

Sức khỏe chị Đặng Thị Thắm ngày càng yếu, phải thường xuyên uống thuốc điều trị bệnh.

Sức khỏe chị Đặng Thị Thắm ngày càng yếu, phải thường xuyên uống thuốc điều trị bệnh.

Mòn mỏi chờ chế độ bảo hiểm

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bệnh bụi phổi silic nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động mà người lao động được hưởng trợ cấp 1 lần (từ 5% đến 30%) hoặc trợ cấp hàng tháng (từ 31% trở lên).

Chính vì thế, thời điểm phát hiện bệnh vào năm 2022, anh Chính và 8 công nhân khác trong công ty đã làm hồ sơ giám định hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng, suốt 2 năm qua vẫn chưa nhận được kết quả. Trong khi đó, 6 công nhân mắc bệnh nặng đã qua đời.

“Giờ còn có 3 người nữa, không biết rồi chờ đến khi nào, hay chết đi rồi mới có chế độ thì còn ý nghĩa gì nữa”, anh Chính nói và cho biết thêm, một số người mắc bệnh hiện đang yếu dần và phải thở oxy.

Cuối năm 2023, đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp của Sở Y tế Nghệ An tiến hành thăm khám cho gần 100 công nhân đã và đang làm việc tại Công ty Châu Tiến. Kết quả, phát hiện thêm 57 công nhân mắc bệnh bụi phổi silic ở nhiều thể nặng nhẹ khác nhau.

Ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, tất cả các hồ sơ của những công nhân từng làm việc tại Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic đều đã được chuyển cho Trung tâm Giám định y khoa để tiến hành giám định mức độ mắc bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác giám định chưa có kết quả dẫn đến việc hàng chục công nhân vẫn mòn mỏi chờ chế độ.

Công ty TNHH Châu Tiến hoạt động từ năm 2017, chuyên sản xuất bột đá siêu mịn và bột đá thạch anh - quartz. Từ tháng 9/2022 đến nay, 6 công nhân từng làm việc tại đây bị tử vong, trong đó 5 người mắc bệnh bụi phổi silic. Tháng 10/2023, doanh nghiệp này bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính 116 triệu đồng vì không quan trắc môi trường lao động và không khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ