Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra bài phân tích của BS Nghiêm Hà Phương Minh (thuộc HCDC) liên quan xung quanh băn khoăn "Covid-19 sẽ là bệnh nghề nghiệp?".
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Covid-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc đối với người lao động mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt là các nhân viên y tế.
Các tác động của Covid-19 về sức khỏe đối với lực lượng lao động là nhiều mặt và phức tạp, cần được phản ánh và cân nhắc cẩn thận để giảm thiểu các tác động bất lợi đối với người lao động.
Năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành dự thảo Quyết định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chẩn đoán và giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp và bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Trong đó nêu rõ Covid-19 nên được xem là bệnh nghề nghiệp do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 phát sinh trong quá trình lao động.
Dự thảo cũng nêu ra một số nghề, công việc thường gặp và tiếp xúc với nguồn bệnh:
Người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.
Người lao động làm việc phòng thí nghiệm SARS-CoV-2, lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu.
Người lao động làm việc, phục vụ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều trị người bệnh Covid-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người bệnh Covid-19 tại nhà.
Người lao động tham gia vận chuyển, phục vụ người nhiễm SARS-CoV-2, thi hài người bệnh Covid-19 trong khu vực cách ly, cơ sở khám bệnh chữa bệnh, bệnh viện dã chiến bằng đường hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hằng hải.
Người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi hài người bệnh Covid-19.
Cũng theo dự thảo, những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu “thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp” 1 lần.
Khoảng thời gian từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.
Năm 2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid 19. Để có thể giảm bớt ảnh hưởng của Covid-19 tới sức khỏe nhân viên Ngành y tế, ban lãnh đạo các cơ sở y tế cần quan tâm thực hiện đúng và đủ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó nhân viên y tế cần phải thực hiện đúng các biện pháp phòng hộ cá nhân để phòng chống dịch hiệu quả.