Cho con đi học mẫu giáo, các mẹ suy nghĩ, lo lắng nhiều nhất điều gì? Chọn trường thật “xịn”, theo đuổi một chương trình giáo dục sớm hay phương pháp giáo dục nổi tiếng, con có ăn, có ngủ, có khóc nhiều không, đi học có khiến con bị stress?…
Tôi tin chắc là mình sẽ không thể liệt kê hết ra được. Nhưng khoan đã, thay vì chọn những nỗi lo lắng để khởi động cùng con trong bước ngoặt lớn đầu tiên này, hãy bắt đầu bằng một nụ cười thật lạc quan xem sao!
Đó là câu hỏi mà các bố mẹ cần trả lời càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ khi con còn chưa chào đời, bởi vì nó sẽ giúp cả gia đình chủ động và có đủ thời gian để chuẩn bị tâm lý cho bước ngoặt lớn này.
Phần lớn, bố mẹ Việt hiện nay cho con đi học sớm (hay muộn) đều chủ yếu vì lí do không có ai ở nhà trông con, “đến lúc đi học thì phải đi thôi”, hoặc “đi học để con biết sớm hơn, ở nhà quanh quẩn với ông bà, giúp việc con hư và không học được nhiều điều”… mà không xác định rõ ràng ngay từ đầu rằng con đi học là một việc “cần” làm và “chắc chắn” phải làm để có được sự chuẩn bị cho con từ những điều nhỏ nhất.
Khi đến thăm một nhóm trẻ trong một khu chung cư ở Kuala Lampur (Malaysia) vào đúng giờ ăn trưa, tôi thấy từ bạn 18 tháng đến 4 tuổi đều tự giác đi ra tủ và lấy hộp đồ ăn trưa mẹ đã chuẩn bị sẵn và được cô quay vi sóng (nếu phụ huynh yêu cầu) ra bàn rồi ngồi “tự xử”, bữa ăn diễn ra vui vẻ và nhanh chóng.
Điều đó phần nào cho thấy, phụ huynh coi trọng việc đến trường để học hơn là để được “nuôi và chăm” như phần lớn bố mẹ Việt hiện nay.
Trong khi, nhiều bố mẹ Việt chỉ mong con đến trường sẽ ăn nhiều hơn vì “sợ cô” và có bạn để “thi đua”… thì họ rèn con và chuẩn bị cho các thói quen, nề nếp rất cẩn thận và bài bản.
Phần lớn giờ giấc và lịch hoạt động ở các trường mầm non là giống nhau (trừ một số trường quốc tế nhận trẻ muộn, trả trẻ sớm và không có giờ ngủ trưa), nên ít nhất 2 tháng trước khi có ý định cho con đi học, hãy cũng cùng hình thành và làm quen với nề nếp sinh hoạt đó.
Ví dụ: đi ngủ sớm hơn; dậy sớm hơn; vận động, tập thể dục sau khi ngủ dậy, cho con chơi nhiều hơn với các nhóm bạn để làm quen với quy tắc của một hoạt động nhất định nào đó, trước mỗi bữa ăn và sau khi chơi đồ chơi, cùng con rửa tay; giúp con ăn uống tự lập, phong phú…
Bố, mẹ hoàn toàn có thể “đóng vai” cô giáo để giúp con hình thành luôn những khái niệm về trường lớp, bạn bè.
Phân khúc trường mầm non rất đa dạng, từ trường quốc tế, tư thục chất lượng cao, tư thục chất lượng “vừa phải”, đến các nhóm trẻ… Tùy vào mục tiêu của bố mẹ khi cho con đi học và điều kiện kinh tế gia đình, khoảnh cách di chuyển từ nhà đến trường để chọn trường cho con.
Trong điều kiện giao thông và khí hậu hiện nay, nếu con đi học từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên ưu tiên hàng đầu về “cự ly”. Việc trường ở gần nhà, con có thể đi bộ đi học mỗi ngày, con vừa rèn luyện thể chất, vừa có cơ hội khám phá cuộc sống xung quanh mỗi lần đi học.
Phần lớn các trường đều tạo điều kiện cho bố mẹ và con làm quen với trường. Khi đến thăm trường, hãy để con dần dần làm quen với bạn bè, thầy cô và các hoạt động.
Một vài chi tiết dù nhỏ nhưng cực kì quan trọng mà bố mẹ cần chú ý quan sát, đó là yếu tố an toàn ở trong lớp và các khu vực học của con, vệ sinh lớp học và đặc biệt là “thần thái” của các cô giáo.
Tinh thần của các cô giáo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của con, vì thế, hãy quan sát cách các cô giao tiếp với con, điều này không phải là dễ nhưng bản năng làm cha mẹ sẽ giúp bạn nhận ra sự ân cần, cẩn thận, tỉ mỉ và chu đáo của các cô với các con.
Hãy quan sát xem nhà trường có gì đó đặc biệt để “gắn kết” với sở thích, cá tính của con không, ví dụ, nếu trường có bể cá, hãy cùng con đi mua một chú cá nhỏ đến thả vào bể để hàng ngày con có thể “chăm sóc” cá, nếu trường có vườn cây thì hãy cùng gieo một hạt mầm nhỏ để đem đến góp vào vườn của trường…
Những mối gắn kết đó dù nhỏ những sẽ giúp con cảm thấy “có lý do” để đến trường hơn mỗi ngày.
Mối lo của bố mẹ thường là, khởi đầu nên cho con đi học nửa ngày hay cả ngày luôn; con ở trường khóc thì khổ thân con, khi đưa con đến trường có nên ấn con cho cô rồi bỏ chạy…?
Thực ra, nếu bố mẹ đã làm tốt các bước trên rồi thì đến bước này cũng không phải lăn tăn suy nghĩ quá nhiều nữa. Con sẽ khóc, đó là điều chắc chắn, bố mẹ không nên quyến luyến con khi đã quyết định cho con đi học chính thức, cũng không nên ấn con cho cô rồi vội vàng bỏ chạy.
Hãy bình tĩnh ôm con, tạm biệt và hẹn đón con vào buổi chiều, đừng quên ôm con và nói “Bố, mẹ yêu con”… Sự bình tĩnh và dứt khoát của bố mẹ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của con.