Ngày 26/2 sẽ tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 2 cho 500 người ở Long An

GD&TĐ - Đại diện Sở Y tế Long An cho biết, Long An một trong 2 địa phương được Bộ Y tế chọn thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2, với số lượng 500 người; việc tiêm thử nghiệm sẽ diễn ra ngày 26/2.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin đăng tải trên VOV, ông Huỳnh Minh Phúc, Sở Y tế Long An cho biết, Long An một trong 2 địa phương được Bộ Y tế chọn thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2, với số lượng 500 người. Hiện công tác lập danh sách những người đăng ký tiêm thử vaccine Covid-19 giai đoạn 2 tại Long An đã được hoàn tất.

Việc thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2 ở Long An sẽ diễn ra trong ngày 26/2/2021 tại một số địa điểm trên địa bàn huyện Bến Lức. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đang tập trung khám sàng lọc sức khỏe những người đăng ký để đảm bảo đúng tiêu chuẩn và quy định.

Vắc xin Nanocovax do công ty Nanogen nghiên cứu sản xuất trong thời gian 6 tháng dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein. Từ ngày 17/12/2020, Học viện Quân y bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin này trên những tình nguyện viên đầu tiên.

Trong giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu tiêm thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 20 người để đánh giá độ an toàn của vắc xin: Nhóm 1a tiêm liều 25mcg, 1b tiêm liều 50mcg và 1c tiêm liều 75mcg. Đến nay đã có 38 tình nguyện viên của nhóm 1a, 1b tiêm đủ 2 mũi.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã hoàn tất 98/120 mũi tiêm trong giai đoạn 1 (chiếm 82%). Kết quả bước đầu cho thấy, vắc xin Nanocovax sinh miễn dịch rất tốt.

Dự kiến, ngày 26/02/2021, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 03/2021 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2 và đến cuối tháng 04/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 05/2021 nếu như các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn này đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch.

Giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ thử nghiệm lâm sàng trên 10.000 đến 15.000 người, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học.

Cũng trong tháng 2, một vắc xin trong nước khác của Việt Nam là Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) sản xuất cũng chính thức bước vào thử nghiệm giai đoạn 1 trên các tình nguyện viên từ 18-75 tuổi.

Trước đó, sáng 19/2, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã tiến hành đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

“Quan điểm phải đảm bảo quy trình khoa học, quá trình nghiên cứu an toàn tuyệt đối cho các đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, những dữ liệu liên quan đến khoa học, đảm bảo hướng dẫn chung của thế giới, đặc biệt Tổ chức Y tế Thế giới WHO, các quy trình nghiên cứu và thực hành lâm sàng tốt (Good Clinical Practice - GCP). Những kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng vaccine trong nước mà còn công bố cho quốc tế”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, Bộ Y tế đề xuất, không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu vaccine tại Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia vào nghiên cứu (thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Qua tính toán sơ bộ ban đầu, với số lượng nghiên cứu giữ nguyên, đảm bảo cỡ mẫu giai đoạn 2, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.