'Bắt mạch' nguyên nhân biến động điểm chuẩn năm 2022

GD&TĐ - Năm nay, điểm chuẩn tuyển sinh ở một số ngành, trường “hot” có biến động so với năm ngoái nhưng không có đột biến.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Ngành Công an, y dược “giảm nhiệt”

Theo PGS.TS Lê Quân, bức tranh chung về tuyển sinh năm nay không có nhiều biến động. Điểm chuẩn vào các trường có dao động nhưng không đột biến, thậm chí “giảm nhiệt” so với năm 2021 ở một số ngành, trường “hot”. Hiện, cả nước chưa có ngành học nào điểm chuẩn tuyệt đối.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay giảm từ 0,5 đến 0,8 điểm. Năm nay, ngành có điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Y Hà Nội là Y khoa với 28,15 điểm. Ngành này có 324 thí sinh đã trúng tuyển. Năm 2021, điểm chuẩn vào ngành này là 28,85. Tiếp đến Răng Hàm Mặt với 27,7 điểm, có 102 thí sinh trúng tuyển. Năm ngoái, ngành này lấy điểm chuẩn lên tới 28,45.

Một số ngành khác cũng có điểm chuẩn khá cao, gồm Y khoa phân hiệu Thanh Hóa (26,8 điểm), Y khoa kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (26,25 điểm), Khúc xạ nhãn khoa (25,8 điểm), Kỹ thuật xét nghiệm y học (25,55 điểm), Y học cổ truyền (25,25 điểm). So với năm trước, điểm trúng tuyển của các ngành này giảm từ 0,4 đến 1,25 điểm.

Ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất năm nay tại Trường ĐH Y Hà Nội là điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa 19 điểm, với 80 thí sinh trúng tuyển. So với năm ngoái, ngành này giảm tới 3,4 điểm, là ngành điểm chuẩn giảm mạnh nhất trường.

Năm 2022, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội là Y khoa với 27,3 điểm, giảm 0,85 điểm so với năm trước. Ngành lấy điểm thấp nhất là Điều dưỡng: 24,25 điểm, giảm 1,1 điểm.

Các ngành còn lại tại Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, mức điểm trúng tuyển lần lượt là: Răng Hàm Mặt (26,4 điểm), Dược học (25,7 điểm), Kỹ thuật xét nghiệm y học (25,15 điểm), Kỹ thuật hình ảnh y học (24,55 điểm).

So với năm 2021, các ngành này giảm từ 0,35 đến 1,1 điểm so với năm trước. 2 ngành có điểm chuẩn giảm mạnh nhất tại Trường ĐH Y Dược là Răng Hàm Mặt và Điều dưỡng, đều giảm 1,1 điểm.

Các chuyên gia phân tích, điểm chuẩn của các trường y dược năm nay “giảm nhiệt” là do điểm môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp hơn so với năm trước. Số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) giảm so với năm ngoái. Cụ thể, cả nước có 5 thí sinh đạt điểm 10 môn Sinh học; 54 em đạt 9,75 điểm; 235 em đạt 9,5 điểm và 622 em đạt 9,25 điểm.

Bên cạnh đó, số thí sinh đăng ký vào khối ngành sức khỏe cũng giảm so với mọi năm. Chẳng hạn, số nguyện vọng đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội hàng năm ở mức trên 10.000. Tuy nhiên năm nay, con số này chỉ còn trên 4.000. Ở ngành được quan tâm nhiều nhất tại Trường ĐH Y Hà Nội là Y khoa, số nguyện vọng đăng ký cũng giảm với tỷ lệ tương tự.

Riêng với các trường khối ngành Công an không còn điểm quá cao. Ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân năm ngoái lấy 30,34 điểm với nữ (khu vực phía Bắc) năm nay giảm 4,08 điểm. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Bộ Công an có chính sách điều chỉnh phương án tuyển sinh.

Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Bộ tổ chức bài thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá của Bộ Công an, do bài thi đánh giá có độ phân hóa cao nên điểm thi và điểm trúng tuyển có sự thay đổi, không còn tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn như những năm trước.

Điểm chuẩn áp dụng với nhóm thí sinh nam thì phổ biến mức dưới 20. Trong đó, ngành Y khoa của Học viện An ninh nhân dân, áp dụng với thí sinh nam miền Nam là 15,1 điểm theo tổ hợp B00 (Toán - Hóa - Sinh), miền Bắc 15,64. Năm ngoái, không ngành và trường nào lấy điểm chuẩn dưới 20 với thí sinh nam.

Điểm chuẩn ở một số ngành, trường “hot” có dao động lên xuống so với năm ngoái nhưng không có đột biến.

Điểm chuẩn ở một số ngành, trường “hot” có dao động lên xuống so với năm ngoái nhưng không có đột biến.

Khoa học xã hội nhân văn “tăng nhiệt”

Khối ngành khoa học xã hội nhân văn năm nay có điểm chuẩn rất cao. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) 3 ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng và Hàn Quốc học ở tổ hợp xét tuyển khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất, lên tới 29,95 điểm. Tiếp đến là ngành Báo chí khối C00 với điểm chuẩn 29,9. Các ngành xét tuyển tổ hợp C00 khác của nhà trường, điểm chuẩn ở mức từ 25,5 đến 29 điểm.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xét trên thang điểm 30, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông Đa phương tiện, ở tổ hợp C15 với 29,25 điểm.

Với nhóm ngành xét theo thang điểm 40, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, chuyên ngành báo truyền hình (37,19 điểm ở tổ hợp D78, R26); Báo chí, chuyên ngành Báo mạng điện tử (36,5 điểm ở tổ hợp D78, R26), Truyền thông quốc tế (36,99 điểm ở tổ hợp D78, R26); Quan hệ công chúng, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp (37,6 điểm ở khối D78, R26);...

Đặc biệt, ngành Lịch sử năm nay có điểm chuẩn cao thuộc top đầu trong các ngành Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh, với 37,5 điểm ở khối C00; 37,5 điểm ở khối C19.

Các trường tuyển sinh ngành Luật cũng có mức điểm chuẩn cao. Đơn cử, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy 28,25 điểm ở khối C00. Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế, ở tổ hợp xét tuyển C00 với 29,5 điểm. Ngành Luật, khối C00 của nhà trường năm nay lấy 28,75 điểm.

Nhóm ngành Công nghệ thông tin cũng nằm trong top đầu về điểm chuẩn năm nay. Tại trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đây là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất với 29,15 điểm, cao hơn năm ngoái 0,4 điểm.

Nhiều trường đại học khác cũng lấy điểm chuẩn cao đối với nhóm ngành này như: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ngành Khoa học máy tính chương trình tiên tiến lấy 28,2 điểm; ngành Công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao lấy 27,2 điểm; ngành Máy tính và Công nghệ thông tin lấy 27,2 điểm), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (27 điểm),…

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có 5 ngành/chương trình đào tạo không sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, đều thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Đại diện nhà trường cho biết, đây là những ngành có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 có thể đẩy điểm chuẩn lên cao.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

“Bắt mạch” nguyên nhân

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức- Trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT để tránh mưa điểm 10. Do đó sẽ khó có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê cho thấy, điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn cao.

Theo đó, với môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%. Môn Lịch sử, năm 2021, số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 18,1%.

Do đó, tổ hợp xét tuyển có cả môn Văn và Sử sẽ có điểm rất cao. Điều này lý giải điểm chuẩn của nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là điểm khối C ở nhiều trường tăng mạnh.

Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết: Ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển khác.

Cụ thể: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT (gồm cả đối tượng là học sinh dự bị đại học dân tộc và người nước ngoài); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù, hướng dẫn tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2022 do ĐHQGHN tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế.

Ngành Báo chí của nhà trường năm 2022 lấy 55 chỉ tiêu; trong đó phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ lấy 25 chỉ tiêu, chia cho các khối: A01, C00, D01, D04, D78, D83.

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có tới trên 2.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí ở khối C00. Do vậy, tỷ lệ chọi năm nay vào ngành Báo chí của trường rất cao, đặc biệt ở khối C00, dẫn đến điểm chuẩn tăng.

PGS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội nhìn nhận, việc các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, khiến cho số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT còn ít. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến điểm chuẩn nhiều ngành bị đẩy lên cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ