Chia sẻ thông tin này, ông Bùi Xuân Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho biết: Ngoài điểm mới trên, hầu hết các ngành kỹ thuật của trường năm nay đều thêm khối D01 (Toán, Văn, Anh) hoặc D07 (Toán, Hóa, Anh); ngành Quản lý đất đai thêm khối B (Toán, Hóa, Sinh).
“Phương thức tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Mỏ - Địa chất cơ bản giữ nguyên như 2017, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển theo học bạ và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Chúng tôi xét theo học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT với hạnh kiểm khá trở lên, lấy điểm kết quả học tập trong 5 học kỳ THPT, tổng điểm trung bình các môn theo khối thi của 5 học kỳ (lớp 10, 11, học kỳ I của lớp 12) đạt 19 điểm trở lên.
Xét bằng điểm thi THPT quốc gia dự kiến tương đương năm ngoái vì các khối ngành kỹ thuật khá ổn định, không có biến động lớn.
Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 3.060, trong đó lấy từ kết quả thi THPT quốc gia là 2.750 chỉ tiêu, xét theo học bạ 300 chỉ tiêu” – ông Bùi Xuân Nam thông tin thêm.
Nhiều ngành nhu cầu nhân lực cao nhưng ít thí sinh quan tâm
Chia sẻ về ngành học, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: Bên cạnh Kỹ thuật dầu khí, gần đây, một số ngành khác của trường ở top cao, được thí sinh quan tâm là Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Tuy nhiên, không ít ngành học quan trọng, nhu cầu nhân lực cao nhưng thí sinh ít có thông tin, ít quan tâm, liên quan đến xây dựng, mỏ, địa chất, trắc địa… Ông Bùi Xuân Nam phân tích:
Về xây dựng, trong tương lai, các thành phố lớn cần phát triển hệ thống tài điện ngầm và đây là 1 trong những chuyên ngành truyền thống của khoa Xây dựng của Trường ĐH Mỏ - Địa chất.
Về nước, đây là tài nguyên vô cùng quan trọng. Để có thể khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này phục vụ đời sống là vấn đề cấp thiết; hay trong quá trình xây dựng, vấn đề khảo sát nền móng, khảo sát địa chất cũng quan trọng. Hai vấn đề trên là thế mạnh của khoa Khoa học và Kỹ thuật địa chất của nhà trường.
Về Mỏ, nhu cầu khai thác và chế biến các loại khoáng sản quan trọng phục vụ nền kinh tế quốc dân rất lớn, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện CNH-HĐH và trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Trắc địa liên quan tới đo đạc địa hình, quy hoạch phát triển đô thị, quản lý đất đai - đây cũng là những vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Để phát triển bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường rất cần thiết trong tất cả các lĩnh vực. Trong tương lai, nhu cầu về cán bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường rất lớn. Đây cũng chính là tiềm năng của khoa Môi trường (ĐH Mỏ - Địa chất). Vì nguồn nhân lực này sẽ phục vụ cho các lĩnh vưc công nghiệp khác như khai thác mỏ, chế biến khoáng sản, khai thác dầu khí…
“Kỳ tuyển sinh năm nay, chúng tôi cũng tuyển sinh thêm 3 ngành mới là Kỹ thuật Điện – Điện tử, Địa kỹ thuật xây dựng, Tài chính ngân hàng; 2 chuyên ngành mới là Cơ khí ô tô, Hệ thống điện” - Ông Bùi Xuân Nam cho biết thêm.