Ngành Kỹ thuật hàng không có là 'mảnh đất màu mỡ'?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi năm cả nước cần bổ sung khoảng 150 – 200 nhân sự cho lực lượng kỹ thuật tàu bay. 

Sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ học thực hành. Ảnh: NTCC
Sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ học thực hành. Ảnh: NTCC

Dù “khát” nhân lực, nhưng nhiều cơ sở đào tạo đang “bỏ ngỏ” lĩnh vực này.

Ít trường đào tạo

Vừa ra trường, Nguyễn Đức Hoàng được nhận làm kỹ sư Phòng Điện điện tử Nội thất của Bamboo Airways với mức lương khởi điểm hơn 10 triệu/tháng. Hoàng cho biết, em mới tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ngay từ khi thực tập, Hoàng đã được Công ty “chấm điểm” nên sau khi có bằng tốt nghiệp được nhận vào làm việc. “Các bạn trong lớp em đều có việc làm với mức thu nhập ban đầu trên 10 triệu/tháng” - Hoàng cho hay.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, bức tranh thị trường ngành hàng không “hậu Covid-19” đã thay đổi. Thị trường nội địa vượt so với năm 2019, thị trường quốc tế cũng dự báo cuối năm 2023 sẽ bằng năm 2019. Theo đó, các hãng hàng không đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự vào nhiều vị trí bao gồm cả nhân viên kỹ thuật. “Hàng năm, chúng tôi tuyển bổ sung hàng trăm kỹ sư mới cho công ty dịch vụ bảo dưỡng máy bay. Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực của ngành Kỹ thuật hàng không rất lớn” - ông Thắng cho hay.

Ông Thắng cũng thông tin, do tăng trưởng số lượng máy bay gần như gấp đôi nên nhu cầu bảo dưỡng tàu bay lớn. Dự báo trong 20 năm tới, thị trường Đông Nam Á cần bổ sung khoảng 60.000 nhân viên kỹ thuật. Riêng khu vực Bắc Mỹ, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các cơ sở bảo dưỡng máy bay phải dừng, nhiều nhân lực đi tìm việc khác và không quay trở lại.

Do đó, sau đại dịch Covid-19 kỹ sư máy bay thiếu hụt 14%, phi công thiếu 18%. “Ở Việt Nam, các hãng hàng không mở rộng quy mô kinh doanh nên các cơ sở bảo dưỡng đang tìm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các đơn vị đào tạo ngành này ít, có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay” – ông Thắng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Hà Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu - nhìn nhận, nhiều trường đang thiếu mảng đào tạo về quản lý bảo dưỡng máy bay. Do đó, hầu hết các công ty phải tự đào tạo đội ngũ này, với chi phí cao. Ông Dũng đề xuất, các trường có đào tạo về lĩnh vực hàng không cần bổ sung vào chương trình đào tạo một số mô-đun liên quan đến quản lý kỹ thuật và quản lý bảo dưỡng máy bay.

Giờ học tập thực hành của học viên Học viện Phòng không – Không quân. Ảnh: Internet

Giờ học tập thực hành của học viên Học viện Phòng không – Không quân. Ảnh: Internet

“Khát” nhân lực

Cho rằng, nhân lực kỹ thuật hàng không đang là “mảnh đất màu mỡ”, ông Tạ Minh Trọng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam - chia sẻ, các ngành thiết kế chế tạo vật phẩm hàng không như: Ghế máy bay, bàn ăn… nhìn tưởng đơn giản nhưng đây là vật dụng đắt đỏ. Đáng nói, ngành này đang “khát” nhân lực nên sinh viên ra trường dễ xin việc.

Theo ông Trọng, vì “khát” nhân lực nên nhân sự kỹ thuật hàng không ra trường dễ kiếm việc làm, thu nhập ổn định. Tùy trình độ, có thể chia mức thu nhập của nhân sự kỹ thuật hàng không thành 3 mức.

Mức A - nhân sự có trình độ sơ đẳng, làm công việc đơn giản như: Thay dầu, bơm lốp máy bay, với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Mức B dành cho các nhân sự kỹ thuật sửa máy bay với tư duy có hệ thống và năng lực cao hơn. Mức lương khoảng 35 - 40 triệu đồng/tháng. Mức C dành cho nhân viên bảo dưỡng định kỳ máy bay. Nhân sự ở mức này cần tư duy rất cao nên thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng; thậm chí có vị trí mức lương 100 triệu đồng/người. Tất nhiên, vị trí này đòi hỏi nhân sự có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt và hòa nhập được môi trường quốc tế.

Theo ông Trọng không nên vẽ ra “màu hồng” với nhân sự kỹ thuật hàng không. Đây là ngành đặc thù, chi phí đào tạo lớn. Sinh viên mới ra trường chỉ có thể làm các công việc đơn giản như: Thay dầu, bơm lốp. Để nhân sự này có thêm giấy chứng nhận B1 hoặc B2 trong bảo dưỡng, sửa chữa và có thể ký sổ bảo đảm cho máy bay sau bảo dưỡng, thì phải đào tạo thêm 4 - 5 năm. Như vậy, tổng thời gian đào tạo cho nhân sự kỹ thuật cao của ngành hàng không ở Việt Nam mất ít nhất 10 năm, khá lâu so với nhiều ngành học khác.

“Họ phải làm việc trong môi trường căng thẳng, kỷ luật cao và đòi hỏi sức khỏe tốt. Vì khi làm việc ở đường băng, nhiệt độ có thể lên đến trên 60 độ C, nếu không có sức khỏe khó có thể trụ lại” – ông Trọng nói.

PGS.TS Ngô Quang Minh - Phó Trưởng khoa Hàng không, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - cho biết, kỹ thuật hàng không là chương trình đào tạo đặc thù và ngành hẹp, phải theo tiêu chuẩn cao. Vì vậy, ngành này chưa thu hút nhiều sinh viên theo học. Hiện, sinh viên có xu thế chọn học các ngành rộng hơn để có nhiều lựa chọn khi ra trường.

Một rào cản nữa, học phí của ngành Kỹ thuật hàng không khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc đào tạo kỹ thuật hàng không cần máy móc hiện đại, đắt tiền nên ít trường đại học đầu tư mở ngành, thí sinh ít có cơ hội lựa chọn hơn những ngành học khác. Hiện, chỉ có một số ít cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không: Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Học viện Phòng không - Không quân...

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, giai đoạn 2015 – 2035 Việt Nam nằm trong nhóm 5 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh mở ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện tại ngành vận tải hàng không Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ