Ngành học mới được cấp mã trong đào tạo, tuyển sinh: Phù hợp thực tiễn

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (Thông tư số 09). Theo đó, hàng loạt ngành học mới chính thức được cấp mã trong đào tạo, tuyển sinh.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Hàng loạt ngành học mới

Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2022, thay thế cho Thông tư số 24/2017/BGDĐT về việc ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học và Thông tư số 25/2017/BGDĐT về việc ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Tán thành với các quy định của Thông tư số 09, TS Văn Đình Ưng – Trưởng ban Truyền thông và Sinh viên (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) viện dẫn: Đối với bậc đào tạo đại học, Danh mục bổ sung các ngành mới như Sư phạm Lịch sử - Địa lý; Kinh tế số; Công nghệ tài chính; Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo; Kỹ thuật hàng hải; Trinh sát kỹ thuật; Kỹ thuật công an nhân dân. Ở bậc đào tạo thạc sĩ, Danh mục bổ sung các ngành: Giáo dục và phát triển cộng đồng; Tâm lý học lâm sàng; Luật; Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo; Kỹ thuật hàng hải; Trinh sát kỹ thuật; Kỹ thuật công an nhân dân; An ninh phi truyền thống. Đối với đào tạo tiến sĩ, bổ sung ngành Khoa học quản lý; Luật; Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo; Kỹ thuật cơ điện tử; Kỹ thuật hàng hải; Trinh sát kỹ thuật; Kỹ thuật công an nhân dân.

“Những ngành nghề trên đều mới, phù hợp với bối cảnh thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước” - TS Văn Đình Ưng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, hàng năm hoặc theo định kỳ, ngoài việc căn cứ vào đề xuất của các cơ sở đào tạo, dựa vào thực tiễn đào tạo, Bộ tổ chức rà soát, cập nhật Danh mục theo quy định tại Thông tư số 09. Khi đó, mọi sự thay đổi so với Danh mục hiện hành được lưu lại trong Danh mục mới được ban hành. Danh mục cập nhật được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, các quy định của Thông tư vừa chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm tính mở, dễ dàng bổ sung, cập nhật các ngành đào tạo theo định kỳ trong giáo dục đại học. Cách tiếp cận của Thông tư phù hợp với thông lệ quản lý ngành đào tạo của các nước trên thế giới.

Thông tư đồng thời giúp cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có thể đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nước trong khu vực hay cộng đồng ASEAN. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển nền kinh tế - xã hội cho Việt Nam.

Các giáo sinh Trường ĐH Vinh (Nghệ An). Ảnh: NTCC

Các giáo sinh Trường ĐH Vinh (Nghệ An). Ảnh: NTCC

Bảo đảm điều tiết vĩ mô

Thông tư số 09 được ban hành trên nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật các ngành đào tạo theo nhu cầu phát triển, gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật số 34 và các quy định pháp luật liên quan.

Khác với các Danh mục trước, Danh mục này được xây dựng theo các nguyên tắc phân loại, sắp xếp chương trình và ngành đào tạo trong Danh mục (Danh mục ngành chính thức và Danh mục ngành thí điểm). Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc cập nhật Danh mục được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí về bổ sung, chỉnh sửa, loại bỏ các ngành trong Danh mục. Mỗi Danh mục được rà soát, điều chỉnh, cập nhật để thích ứng với những thay đổi về ngành nghề trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học tự chủ phát triển chương trình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội nhưng vẫn đảm bảo sự điều tiết vĩ mô và quản lý bởi Nhà nước.

Theo quy định, một ngành đào tạo mới được xem xét bổ sung vào nhóm ngành cụ thể trong Danh mục ngành chính thức khi đáp ứng các điều kiện như: Có căn cứ khoa học và thực tiễn về nguồn gốc hình thành ngành đào tạo mới (trên cơ sở tách ra từ một ngành hoặc lai ghép một số ngành theo yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và thực tiễn nghề nghiệp); Có sự khác biệt tối thiểu là 30% về kiến thức và kỹ năng chuyên môn so với các ngành hiện có thuộc nhóm ngành dự kiến sắp xếp trong Danh mục; Có số liệu phân tích, dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực mà các ngành đào tạo hiện tại không đáp ứng được; đối với các ngành đã có sinh viên tốt nghiệp phải có số liệu phân tích, đánh giá tin cậy về khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực mà các ngành đào tạo khác không đáp ứng được.

Ngoài ra, ngành đó đã được đào tạo tại nhiều cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới hoặc được liệt kê ở ít nhất hai bảng phân loại các chương trình và ngành đào tạo thông dụng trên thế giới (trừ một số ngành chỉ đào tạo ở Việt Nam hoặc ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng); được phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định chương trình tại ít nhất hai cơ sở đào tạo trong nước và được các cơ sở đào tạo đó cùng đề xuất bổ sung vào Danh mục.

Riêng với các ngành thuộc lĩnh vực đào tạo giáo viên, nghệ thuật, thể thao, pháp luật, sức khỏe, an ninh, quốc phòng phải có ý kiến đồng thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngành tương ứng.

Tại Danh mục đào tạo trên, một số ngành nghề cũng được chuyển vị trí đến nhóm ngành phù hợp, hoặc được đổi tên, hoặc sửa mã ngành. Chẳng hạn như: Ngành huấn luyện thể thao thuộc nhóm đào tạo giáo viên được chuyển đến nhóm ngành thể dục thể thao và sửa lại mã ngành; ngành nhãn khoa đổi tên từ ngành mắt nhãn khoa. Các ngành y học dự phòng, y học cổ truyền, tổ chức quản lý dược, biên phòng, khí tượng và khí hậu học, chủ nghĩa xã hội khoa học… được đổi sang mã ngành khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.