Ngành học chưa bao giờ cũ và dễ dàng kiếm việc

GD&TĐ - Theo giảng viên Nguyễn Khắc Tiến (Trường ĐH Thành Đô), Công nghệ kỹ thuật điện và tự động hóa chưa bao giờ là ngành học cũ và nguồn nhân lực cho việc vận hành, quản lý đối với nhóm ngành này cũng không hề nhỏ.

Sinh viên ngành CNKT Điện - Tự động hóa, trường Đại học Thành Đô trong giờ thực hành chế tạo Robocon
Sinh viên ngành CNKT Điện - Tự động hóa, trường Đại học Thành Đô trong giờ thực hành chế tạo Robocon

Cơ hội việc làm rất lớn

Sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật điện và tự động hóa có thể kiếm dễ dàng cho mình một việc phù hợp mới mức lương ổn định (kỹ sư mới ra trường, thu nhập khoảng từ 6 triệu đến 15 triệu/tháng).

Khẳng định điều này, giảng viên Nguyễn Khắc Tiến lý giải: Hiện nay, tất cả thiết bị sản xuất, thiết bị gia dụng phục vụ cho các hoạt động trong đời sống hàng ngày đều sử dụng nguồn điện. Chứng tỏ nguồn năng lượng điện vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng và cần thiết đối với đời sống con người.

Vì lý do này nên Công nghệ kỹ thuật điện và Tự động hóa chưa bao giờ là ngành học cũ và nguồn nhân lực cho việc vận hành, quản lý đối với nhóm ngành này cũng không hề nhỏ.

Mặt khác, ngành Công nghệ kỹ thuật điện và Tự động hóa giữ vai trò ổn định và phát triển hệ thống truyền tải điện phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, dân sinh. Bất cứ nơi đâu cũng cần có dịch vụ điện.

Cũng theo thầy Nguyễn Khắc Tiến, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện và Tự động hóa sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, với nhiều cơ hội đa dạng và phong phú như: Có thể làm việc tại công ty điện lực EVN, các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về qui hoạch mạng điện.

Các kỹ sư Công nghệ kỹ thuật điện và Tự động hóa cũng có thể làm việc với vai trò là người trực tiếp lao động, vận hành trong tất cả lĩnh vực trên, hoặc tham gia thiết kế, tư vấn việc sử dụng điện và các thiết bị điện tử cho các công trình vừa và nhỏ; có thể tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, vận hành mạng lưới điện tại tất cả công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao...

Học phải đi đôi với hành

Sinh viên ĐH Điện - Tự động hóa K, khoa Điện - Tự động hóa, Trường ĐH Thành Đô đi kiến tập, tham quan nhà máy lắp ráp ô tô tại công ty General Motors Việt Nam
 Sinh viên ĐH Điện - Tự động hóa K, khoa Điện - Tự động hóa, Trường ĐH Thành Đô đi kiến tập, tham quan nhà máy lắp ráp ô tô tại công ty General Motors Việt Nam

Đây là yêu cầu không thể thiếu với các ngành học nói chung, ngành Công nghệ kỹ thuật điện và Tự động hóa nói riêng. Theo giảng viên Nguyễn Khắc Tiến, đây cũng là thế mạnh của Trường ĐH Thành Đô.

Điểm khác biệt trong cách dạy và học của thầy trò khoa Điện - Tự động hóa của Trường ĐH Thành Đô là “Lý thuyết gắn liền với thực hành”. Với 9 phòng thực hành đã có, kết hợp với chương trình đào tạo ưu tiên thực hành, thầy và trò khoa Điện - Tự động hóa hằng năm đã chế tạo nhiều mô hình phục vụ học tập và nâng cao tay nghề như: Mô hình điều khiển điện - khí nén, mô hình thực hành PLC, mô hình điều khiển máy điện, truyền động điện, mô hình thang máy, điều khiển thiết bị điện qua mạng internet, mô hình các thiết bị cảm biến… Nhiều mô hình có chất lượng cao và được giải tại các cuộc thi thiết bị dạy nghề tự làm.

"Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên trong khoa không ngừng nghiên cứu khoa học, một số công trình đã được công bố trên các hội thảo chuyên ngành. Sinh viên trong khoa cũng rất tích cực tham gia các hội thi tay nghề sinh viên, hội thi sáng tạo robot…" - Thầy Tiến tự hào chia sẻ.

Được biết, khoa Điện - Tự động hóa của Trường ĐH Thành Đô được thành lập từ năm 2005, với đội ngũ gồm giảng viên cơ hữu 100% có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó có 1 phó giáo sư, 1 tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn cao là một thế mạnh, giúp khoa đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng.

Hiện nay, khoa Điện - Tự động hóa của Trường ĐH Thành Đô có 9 phòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực hành của sinh viên, đó là: Phòng thực hành điện cơ bản phòng thực hành PLC; phòng thực hành đo lường điện; phòng thí nghiệm truyền động điện; phòng thực hành trang bị điện - điện lạnh; phòng thực hành máy điện thiết bị điện; Trung tâm phát triển và chuyển giao công nghệ; phòng thí nghiệm điện tử công suất và phòng thực hành Tin học công nghiệp.

Chương trình đào tạo của khoa được xây dựng bởi các giảng viên trong khoa và có sự tham gia cố vấn của các chuyên gia Trường ĐH Bách khoa Hà Nội như: GS.TS Nguyễn Phùng Quang, TS.Trần Trọng Minh, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, PGS TS Nguyễn Văn Liễn…

Ngoài công tác dạy và học, khoa Điện - Tự động hóa luôn quan tâm đến các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao cho sinh viên, như tổ chức giải bóng đá của khoa, giải bóng đá đoàn thanh niên của trường, giải câu lông, kéo co...

"Chúng tôi tự hào vì đã đào tạo nhiều khóa sinh viên ra trường. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có công việc tốt và được các đơn vị sử dụng đánh giá rất cao về năng lực làm việc. Có thể nói, khoa Điện - Tự động hóa của Trường ĐH Thành Đô đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật điện và Tự động hóa cho khu vực phía Bắc" - thầy Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.

Đào tạo nhân lực đối với các nước đang phát triển nói chung và với Việt Nam nói riêng, luôn được chú trọng. Bất kỳ ngành nào cũng vậy, chứ không riêng gì ngành CNKT điện và Tự động hóa. Với Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc đào tạo ngành CNKT điện và Tự động hóa lại càng quan trọng. Trường ĐH Thành Đô cũng đang từng bước tìm được hướng đi đúng cho mình trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.