Liên quan đến nội dung trên, Cục CSGT thông tin lại như sau:
Trong năm 2015 và 2016, CSGT đã gửi 211.149 thông báo các trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX đến Tổng Cục đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT địa phương. Từ năm 2017 đến nay, lực lượng CSGT đã gửi 749.091 trường hợp bị tước GPLX tới cơ quan các cấp. Bên cạnh đó, còn một lượng lớn GPLX tồn đọng tại các cơ quan CSGT.
Cũng theo Cục CSGT, trong những năm qua Công an các đơn vị, địa phương đã gửi thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhất là GPLX đến các Sở GTVT để theo dõi, quản lý, nhiều nơi còn chủ động gửi thông báo các trường hợp giấy phép, chứng chỉ bị tạm giữ nhưng quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý. Đồng thời thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, CSGT nhiều đơn vị địa phương đã phát hiện các trường hợp người lái xe lợi dụng việc báo mất GPLX, nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả… từ đó ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây mất TTATGT…
Cục CSGT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chia sẻ dữ liệu về công tác quản lý GPLX trong phạm vi toàn quốc thông qua mạng máy tính giữ 2 ngành (Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Phòng CSGT Công an các địa phương và Sở GTVT địa phương).
Để hai ngành Công an và GTVT kết nối trao đổi dữ liệu về GPLX, cũng như các dữ liệu khác về bảo đảm TTATGT, Cục CSGT cho rằng phải có lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm các yếu tố như: Tính pháp lý, sự đồng bộ về cơ sở vật chất giữa hai lực lượng, giải pháp kết nối, nguồn lực con người và phải đảm bảo các yếu tố bảo mật…