Ngành giáo dục tập huấn về công cụ thu thập thông tin quản lý rủi ro thiên tai

GD&TĐ - Ngày 19/12 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn sử dụng bộ công cụ thu thập thông tin trường học, hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành giáo dục và triển khai thực hiện trường học an toàn, chống thiên tai cho cán bộ các Sở GD&ĐT các tỉnh phía Bắc. 

Bộ GD&ĐT tập huấn sử dụng bộ công cụ thu thập thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành Giáo dục
Bộ GD&ĐT tập huấn sử dụng bộ công cụ thu thập thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành Giáo dục

Dự buổi tập huấn có TS Phạm Hùng Anh – Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT), Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ngành Giáo dục cùng đại diện UNICEF Việt Nam, tổ chức PLAN, những tổ chức đã giúp đỡ ngành về xây dựng bộ công cụ, và trong đợt này là tài trợ kinh phí, tài liệu tập huấn.

Trong đợt tập huấn này, các cán bộ phụ trách công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai các Sở GD&ĐT sẽ được các chuyên gia tập huấn sử dụng “Bộ công cụ thu thập thông tin trường học” gồm các công cụ: Báo cáo của nhà trường vào đầu năm học; Báo cáo khẩn cấp của nhà trường về ảnh hưởng của thảm họa, thiên tai; Báo cáo sau thảm họa thiên tai tại trường học. Bên cạnh đó là cách thức báo cáo tình hình của đơn vị trong các trường hợp: Báo cáo theo yêu cầu, báo cáo thống kê định kỳ hàng năm, báo cáo đột xuất.

Theo TS Phạm Hùng Anh, trong đợt này, Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn cho cán bộ các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam; Trang bị cho các cán bộ kỹ năng sử dụng bộ công cụ để giúp lãnh đạo các nhà trường thường xuyên quan tâm cập nhật các thông tin cơ bản và cần thiết của trường mình liên quan đến các vấn đề về con người, cơ sở vật chất, kiến thức và thực hành của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học về công tác “Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai” tại trường học và cộng đồng;

Giúp cho lãnh đạo nhà trường các công tác quản lý, báo cáo, lập kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho trường mình và cộng đồng trước, trong và sau khi thảm họa thiên tai xảy ra một cách chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả với nguồn lực lồng ghép của các chương trình, dự án, mô hình liên quan đang được triển khai tại nhà trường và địa phương;

Đồng thời giúp cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT có bức tranh cụ thể với các số liệu và thông tin chính xác, cập nhật của từng trường ngay từ mỗi đầu năm học cho công tác quản lý, báo cáo, lập kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của toàn ngành trước, trong và sau khi thảm họa thiên tai xảy ra phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, từng địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”: “Chỉ huy tại chỗ”, “lực lượng tại chỗ”, “vật tư tại chỗ”, “hậu cần tại chỗ” và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả thảm họa thiên tai để phát triển ngành một cách bền vững…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ