Cử tri hỏi:
Cách đánh giá chất lượng giáo dục như hiện nay vẫn không giải quyết được bệnh “thành tích” trong giáo dục (tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao), nhất là bậc tiểu học, dẫn tới một số học sinh lên đến trung học cơ sở vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?
Bộ trưởng trả lời:
Về bệnh thành tích:
Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng một số địa phương chạy theo “thành tích”, tạo ra không ít áp lực về học tập cho học sinh, không phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục.
Để khắc phục “bệnh thành tích”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện các giải pháp sau:
- Rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản; giao quyền cho nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, phát triển chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn giáo dục địa phương; các cơ sở giáo dục chủ động đặt ra các mục tiêu nâng cao dần chất lượng để phấn đấu trong từng năm, từng học kỳ chứ không chạy theo thành tích.
- Triển khai hướng dẫn giáo viên các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh; giảm dần việc yêu cầu nhớ máy móc, tăng dần khả năng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề gắn với đời sống và xã hội; dạy học thông qua các di sản văn hóa, lịch sử và gắn với thực tiễn địa phương; tăng cường vận dụng công nghệ thông tin - truyền thông phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học.
Học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thí điểm, áp dụng có chọn lọc một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của một số nước trên thế giới phù hợp với Việt Nam để đổi mới phương pháp giáo dục.
- Triển khai chương trình đánh giá quốc tế về đánh giá học sinh ở cấp học phổ thông (PISA đối với trung học, PASEC đối với học sinh tiểu học) để đánh giá một cách khách quan, đúng thực chất chất lượng giáo dục (của nhà trường, của địa phương và của quốc gia) mà không cần sử dụng kết quả thi của cá nhân từng học sinh, từ đó khắc phục căn bản bệnh thành tích.
- Xây dựng khung pháp lý, cơ chế đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, đánh giá chất lượng giáo dục nhà trường một cách chặt chẽ, khoa học, khách quan; tách bạch việc đánh giá chất lượng với kết quả thi, kiểm tra của cá nhân từng học sinh; công khai chất lượng giáo dục và từng bước khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá và thi; xây dựng quy định nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên.
- Thực hiện đổi mới công tác thi đua - khen thưởng gắn với tiêu chí về thực hiện cuộc vận động "Hai không"; không lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên, nhà trường và địa phương; tôn vinh đúng đối tượng nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua.
Về việc “một số học sinh học đến trung học cơ sở vẫn chưa đọc thông viết thạo”
Những năm trước đây, do điều kiện học tập của học sinh vùng dân tộc, nhất là những dân tộc rất ít người, có nhiều khó khăn; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn tiếng Việt của giáo viên còn hạn chế, có hiện tượng một số học sinh khi học đến THCS chưa sử dụng thành thạo tiếng Việt.
Nhận thức được vấn đề này, Bộ Giáo dục và đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục:
- Từ năm 2008, Bộ đã chỉ đạo triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục. Đến năm học 2013-2014, việc này đã được triển khai ở 34 tỉnh/thành phố với 183.412 học sinh tham gia, ngày càng được nhân rộng tới các tỉnh có đông học sinh dân tộc như: Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang…
Việc áp dụng chương trình này cho thấy năng lực tiếng Việt của học sinh tăng lên, học sinh biết chữ nhanh, viết đúng chính tả, không tái mù chữ sau kỳ nghỉ hè và năm học sau. Năm học 2014-2015 đã có thêm 5 tỉnh đăng ký tham gia chương trình này.
- Cùng với giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh, hàng năm, Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo giáo viên thực hiện việc bàn giao chất lượng cuối năm giữa giáo viên dạy lớp dưới với giáo viên dạy lớp trên, giữa cấp tiểu học với cấp THCS. Thự tế cho thấy, đây là một giải pháp hiệu quả để đảm bảo chất lượng thực, tránh được tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.