Cử tri hỏi:
Tình trạng lạm thu các khoản ngoài học phí vẫn là vấn đề bức xúc hiện nay. Mặc dù, Bộ đã ban hành văn bản để chấn chỉnh, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục, nhất là lợi dụng các khoản thu mang tính chất tự nguyện của Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh ở các trường học để thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về thực trạng và giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để tình trạng lạm thu nêu trên.
Bộ trưởng trả lời:
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục như:
- Ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và hướng dẫn công tác thu, chi đối với cơ sở giáo dục;
- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi theo đúng quy định;
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm về công tác quản lý, chỉ đạo thu, chi đầu năm học tại một số địa phương và có những chỉ đạo kịp thời.
Nhiều địa phương đã ban hành các quy định và chỉ đạo thực hiện quản lý các khoản thu, chi trong nhà trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn còn hiện tượng lạm thu.
Có nhiều nguyên nhân của việc này:
- Tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào nhà trường; công tác quản lý của nhà trường và các cơ quan quản lý nhà nước (về giáo dục, về tài chính) chưa đáp ứng yêu cầu.
- Văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập của chính quyền các tỉnh chậm được ban hành.
- Tại một số địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời, còn qua loa, chiếu lệ, xử lý vi phạm chưa quyết liệt, còn có biểu hiện bao che.
- Một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên thiếu hiểu biết về pháp luật tài chính, có tư tưởng tư lợi.
- Một số ban đại diện cha mẹ học sinh không chấp hành đúng quy định của nhà nước về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
- Nguồn kinh phí cấp không đảm bảo hoạt động của nhà trường (theo quy định hiện hành, cơ cấu chi ngân sách nhà nước là 80% cho lương và phụ cấp theo lương, 20% cho các hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Nhưng thực tế, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương vẫn chiếm tới 90 - 95%; chỉ còn lại 5 -10% chi cho hoạt động giáo dục, chưa tính đến tu sửa cơ sở vật chất nhà trường).
Giải pháp khắc phục trong thời gian tới
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, để các bậc cha mẹ học sinh dân chủ bàn bạc và có quyết định trong việc đóng góp các khoản tài trợ cho nhà trường.
- Công khai minh bạch các quy định thu, chi của nhà trường để người dân, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu những hoạt động, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc phối hợp của Hiệu trưởng với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh của trường trong việc thực hiện Thông tư 55 tại các cơ sở giáo dục.
- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất với sự phối hợp liên ngành tài chính và các cấp chính quyền, đặc biệt là vào đầu năm học mới; xử lý nghiêm minh các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.
- Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất trường học, bổ sung trang thiết bị nhằm đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu cho hoạt động dạy và học.
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có quy định đảm bảo mức chi tối thiểu đảm bảo cho hoạt động của các cơ sở giáo dục.