(GD&TĐ) - Ba ngày sau cơn bão số 10 đi qua vẫn còn rất nhiều điểm trường ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong tỉnh Quảng Trị chưa thể hoàn thành việc dọn dẹp vệ sinh và chặt cây cối bị đổ. Nhiều phòng học bị tốc mái đến nay vẫn chưa thể lợp lại hoàn toàn. Một số trường phải dồn học sinh đến các phòng thí nghiệm, phòng hội đồng để tiếp tục công việc giảng dạy.
Lợp lại mái ngói trường học sau bão |
Nỗ lực vượt khó
Thời tiết mưa, nắng thất thường sau cơn bão số 10 khiến việc thu dọn vệ sinh tại các trường học ở tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn. Tại Trường Tiểu học xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bão số 10 đã làm hàng loạt cây cổ thụ trong sân trường ngã đổ, đè bẹp cả mái hiên phía trước. Trong lúc đó ở điểm Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Hồ Xá, lực lượng đoàn viên thanh niên và các cô giáo, thầy giáo đang nỗ lực khắc phục hậu quả do cơn bão để lại.
Tiếp chuyện với chúng tôi thầy Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng nhà trường kể: Đại đa số giáo viên trong trường đều là nữ nên trường phải “cầu cứu” thêm các bạn đoàn viên thanh niên của thị trấn đến để sửa sang lại sân trường và lợp lại một phần mái ngói bị gió đánh vỡ.
Thầy Đức nói:
“Tui dạy học ở huyện này đã lâu lắm rồi mà chưa khi mô thấy bão to như ri. Hôm bão ập đến cả lãnh đạo nhà trường và các thành viên trong Ban PCBL của nhà trường trực bão cả ngày. Anh em ai cũng lo lắng sợ bão mạnh làm tốc mái phòng thư viện, cũng may mà thiệt hại không nhiều. Toàn trường có 10 cây to bị đổ”.
Ngay sau ngày bão tan, lực lượng dân quân tự vệ thị trấn Hồ Xá đã có mặt kịp thời giúp trường cưa xẻ những cây ngã, đổ, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ và lợp lại những phòng học bị tốc mái. Đến ngày 2/10, công việc dọn dẹp cây xanh ngã, đổ cơ bản đã xong. Học sinh bắt đầu quay trở lại trường học tập.
Một số xã ở Vĩnh Thạch, Vĩnh Tú, Vĩnh Thành và thị trấn Cửa Tùng là nơi bão số 10 đổ bộ trực tiếp khiến nhiều phòng học ở đây bị tốc mái hoàn toàn. Sau ngày bão dữ đi qua, chúng tôi quay trở lại Trường Tiểu học Vĩnh Thạch thì vẫn chứng kiến cảnh một cây cổ thụ có đường kính gần 2m đang nằm bẹp giữa lối đi dẫn vào phòng của các em học sinh chưa được cưa xẻ. Phía ngoài sân trường cả cô và trò đang cùng nhau làm vệ sinh.
Khi thấy các phóng viên đến thăm trường các cô giáo ở đây “thi nhau” kể về nỗi ác mộng kinh hoàng của cơn bão vừa xảy ra nơi đây. Cô Thùy Trang tâm sự: “May mà cây cổ thụ đè xuống trường trong lúc các thầy cô và các em học sinh đã nghỉ học để tránh bão. Nếu không chẳng biết điều gì sẽ xảy ra. Theo ý kiến của giáo viên nơi đây, các cơ quan chức năng cần tăng thêm người để cùng giúp ban giám hiệu và các thầy cô để dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định công việc học tập của các cháu nhỏ”.
Giáo viên tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực thu dọn vệ sinh sau bão |
Sự góp tay, chung sức của cộng đồng
Trường Tiểu học xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại nặng nề nhất, toàn bộ tấm lợp mái nhà tầng hai bị bão cuốn phăng; hai cây xà cừ lớn ở sân trường đổ vào nhà bếp và nhà ăn bán trú làm hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính hơn 500 triệu đồng.
Cô giáo Trần Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đang kết hợp việc thu gom các cành cây vương vãi, dọn dẹp vệ sinh quanh trường... đồng thời cùng với cán bộ nhà trường và đoàn viên xã Vĩnh Tú triển khai lợp lại nhà ăn cho các cháu học sinh bán trú. Nhà trường mong muốn lãnh đạo huyện và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị sớm hỗ trợ thêm kinh phí cho trường để lợp lại mái nhà hai tầng của nhà trường.
Ngoài ra các trường học ở huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng... cũng đang trong tình trạng trường, lớp bị hư hỏng, tốc mái, học sinh trở lại trường học tập trong điều kiện thiếu phòng học. Bão đã qua nhưng những khó khăn sau bão đang đặt ra đối với thầy và trò vùng bão là rất lớn, đòi hỏi tỉnh Quảng Trị và ngành GD&ĐT có giải pháp để học sinh sớm có phòng học trở lại.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị tính đến nay, đã có 30 điểm trường và 200 phòng học bị tốc mái tập trung nhiều nhất ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh. Sau ngày bão tan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Trung đoàn 842 đã nhanh chóng cử 200 cán bộ, chiến sĩ cơ động ra hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh giúp nhân dân khắc phục hậu quả.
Để phối hợp với Trung đoàn 842, Ban Chỉ huy quân sự các huyện cũng đã động viên tối đa lực lượng của cơ quan quân sự huyện, hàng ngàn đồng chí dân quân tự vệ, dự bị động viên trên từng địa bàn cùng thực hiện nhiệm vụ. Dưới sự điều động của cán bộ Tiểu đoàn, cán bộ, chiến sĩ đã chia thành từng bộ phận nhỏ về các xã, thị trấn giúp đỡ bà con. Trước hết tập trung thu dọn vệ sinh ở các trường học để sớm đón học sinh đến lớp; dọn dẹp cây đổ giải phóng mặt đường, bảo đảm cho nhân dân và phương tiện đi lại; giúp các gia đình chính sách dựng lại nhà cửa.
Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Để học sinh vùng bão sớm trở lại trường học tập, ngoài nỗ lực khắc phục hậu quả thiệt hại do bão gây ra của thầy và trò như lợp lại trường, sửa chữa phòng học, lau chùi bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh… các lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích phải nhanh chóng dựng lại trường lớp cho các em. Đây là một trong những yêu cầu cấp bách để khắc phục hậu quả bão số 10, đưa học sinh sớm trở lại trường học tập.
Minh Ngọc