Ngành GD vùng Đông Nam Bộ quan ngại mục tiêu đề án PCMN 5 tuổi

Ngành GD vùng Đông Nam Bộ quan ngại mục tiêu đề án PCMN 5 tuổi

Cơ sở vật chất đã có sự chuyển mình 

Công tác đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ việc phát triển và nâng chất giáo dục luôn là một trong những vấn đề khiến các tỉnh khu vực thuộc vùng thi đua số 5 băn khoăn mỗi lần giao ban. Ngoài vấn nạn học sinh nghỉ, bỏ học trong hè luôn cao thì tình hình cơ sở vật chất, trường lớp yếu kém, dẫn đến những hạn chế trong việc phát triển giáo dục theo hướng tòan diện, bền vững luôn là những trăn trở, băn khoăn của tòan vùng.

Tuy nhiên, với ý thức và sự quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục theo định huớng của Bộ GD-ĐT, năm học 2009-2010 các Sở GD-ĐT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị lập hồ sơ, bố trí vốn và xúc tiến đầu tư sửa chữa, xây dựng mới hệ thống phòng học, cơ sở vật chất để phục vụ năm học 2010-2011. Sau hai năm tích cực triển khai, tổng số phòng học đuợc đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng trong dịp đầu năm 2010-2011 là 67 truờng và 1.020 phòng học với tổng giá trị đầu tư hơn 1.848 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, còn 59 trường học đang thi công và sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2010-2011. Công tác đầu tư sửa chữa, cải tạo cũng rất đuợc chú trọng với 971 phòng học và 104 công trình đuợc cải tạo trong nămhọc vừa qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai địa phuơng Tây Ninh và Ninh Thuận đã triển khai xây dựng đuợc 2.638 phòng học, 118 nhà công vụ cho giáo viên từ nguồn vốn thực hiện đề án chuơng trình kiên cố hóa trường lớp của Chính Phủ ( đã hòan thành 1.555 phòng học và 90 nhà công vụ, đang thi công 692 phòng học,23 nhà công vụ).

Đại diện các Sở ký kết giao ước thi đua
Đại diện các Sở ký kết giao ước thi đua

Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, nâng chất giáo dục cơ bản đã tương đối. Tuy nhiên, vấn nạn bỏ học vẫn là một trong những “bài tóan” khá nan giải của các tỉnh vùng thi đua số 5. Số tỉnh có tỉ lệ học sinh nghỉ bỏ học giữa hè và đầu năm được kéo giảm xuống 1% là khá nhiều nhưng các tỉnh như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận tỉ lệ học sinh bỏ học các cấp vẫn chưa thể kéo giảm nhiều, khi tỉ lệ luôn giao động từ 1,3 đến 2% ( Bình Thuận là: 2,12%, Ninh Thuận là: 1,4%, Bình Phuớc là 1,38%). Nguyên nhân thì vẫn ở 4 điểm chính, nghèo khó, thiếu sự quan tâm của phụ huynh, học kém và sự di dân cơ học.

Băn khoăn mục tiêu đề án chuơng trình phổ cập mầm non 5 tuổi

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng nhất với “thách thức” hoàn thành chỉ tiêu đề án chương trình phổ cập MN 5 tuổi của Chính phủ. Theo lộ trình thì giai đọan 2011-2015 các địa phuơng cần phải đảm bảo 95% số trẻ 5 tuổi đựơc học 2 buổi một ngày. Tuy nhiên, với những hạn chế về cơ sở vật chất của ngành học mầm non, sự thiếu hụt của đội ngũ giáo viên mầm non đã khiến không ít đại biểu tỏ ra quan ngại với chỉ tiêu trên.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phuớc chia sẻ: Với tình trạng thiếu hụt giáo viên cục bộ như hiện nay của tỉnh Bình Phuớc, sự khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên bậc học mầm non, tôi thật sự thấy lo lắng khi chúng ta triển khai đề án phổ cập MN 5 tuổi. Nếu Bộ GD-ĐT không có một chính sách cụ thể cho bậc học MN, chính sách ưu đãi đặc thù và cơ chế tuyển dụng… tôi e rằng khi triển khai đề án, nhiều tỉnh khu vực Miền Đông Nam Bộ sẽ đối mặt khó khăn. Hiện chúng tôi thiếu hơn 10% lực lượng GV MN và cần tới khoảng 2.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho cấp học này trong tuơng lai.

Ông Nguyễn Thanh Giang ( Sở GD&ĐT Bà Rịa- Vũng Tàu) phát biểu
Ông Nguyễn Thanh Giang ( Sở GD&ĐT Bà Rịa- Vũng Tàu) phát biểu

Cũng chung một tâm trạng lo lắng, ông Mai Xuân Bá, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cũng không khỏi quan ngại về tính khả thi của đề án trên khi ông cho rằng: Với đặc thù khó khăn của địa phương, trường học phân tán theo các vùng miền và thiếu sự đầu tư quan tâm đầu tư, hệ thống trường mầm non và giáo viên yếu và thiếu hiện nay, việc yêu cầu các tỉnh triển khai tốt đế án phổ cập GD MN 5 tuổi thật sự là một “bài tóan” hết sức nan giải. Ông nói: Nếu Bộ GD-ĐT không có một chính sách hỗ trợ cụ thể e rằng các địa phương miền Đông Nam Bộ sẽ thụt lùi so với các TP lớn.

Ngoài mối quan ngại lớn trên, tại Hội nghị, các vấn đề như: học sinh đánh nhau, biên chế nhân sự cho Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT, chính sách phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút đối với nhà giáo cũng được nhiều đại biểu quan tâm, chia sẻ với lãnh đạo Bộ. Trong đó, theo ý kiến của nhiều đại biểu, Bộ GD-ĐT cần sớm có huớng dẫn cụ thể về biên chế giáo viên Tiểu học dạy 2 buổi/ ngày. Bộ GD-ĐT cần sớm phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành quy định, hướng dẫn khung biên chế cho Văn phòng Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT để đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho những yêu cầu mới của giáo dục.

Ông Võ Hiền Phương, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, ngoài kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm có chương trình hỗ trợ cho các địa phương trong việc triển khai đề án phổ cập MN 5 tuổi còn cho rằng: cần sớm có một quy chế cụ thể quy định chế độ đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ với GV MN. Ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét để tăng biên chế cho Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Những gì mà vùng thi đua số 5 làm được trong việc kéo giảm tỉ lệ nghỉ bỏ học, đầu tư cơ sở hạ tầng là rất đáng ghi nhận. Những vấn đề mà các địa phương quan ngại như đề án phổ cập MN 5 tuổi, biên chế cho GV MN, chính sách phụ cấp ưu đãi thu hút với nhà giáo…lãnh đạo Bộ sẽ sớm xem xét để có những hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương trong  triển khai thực hiện và phát triển giáo dục theo hướng ổn định cho vùng.

Bài, ảnh: Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ