(GD&TĐ)-Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ký ban hành Chương trình hành động của của ngành Giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020, Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chương trình hành động xác định các nhiệm vụ chủ yếu triển khai Kết luận 51 và Chỉ thị 02 tập trung thực hiện trong năm 2013, định hướng năm 2014 và 2015 nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện 8 giải pháp của Chiến lược trong 2 giai đoạn (giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020), trong đó lồng ghép các nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 1 với các nhiệm vụ thực hiện Kết luận 51 và Chỉ thị 02.
Chương trình hành động trên đồng thời là căn cứ để Bộ GD&ĐT, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình và chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược, Kết luận 51 và Chỉ thị 02.
Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình hành động là hoàn thiện Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ;
Đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học công nghệ và khoa học giáo dục và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo.
Giai đoạn 2 (2016 - 2020) sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thực hiện thống nhất đầu mối quản lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục. Triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đại học và một số nhiệm vụ của giai đoạn 1 với các điều chỉnh bổ sung; tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục;
Tiếp tục thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp tục thực hiện đề án quy hoạch phát triển nhân lực và Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm. Tham mưu với Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật Nhà giáo…
Lập Phương