Ngành GD Kon Tum nhiều thử thách trước năm học mới

Ngành GD Kon Tum nhiều thử thách trước năm học mới

(GD&TĐ) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, ngành Giáo dục tỉnh Kon tum đã bước vào năm học mới 2011-2012. Ngoài những nỗi lo cũ: thiếu trường lớp, khó khăn trong huy động học sinh ra lớp đầu năm…, ngành Kon tum  phải đối mặt với lo ngại về bệnh tay chân miệng (TCM) đang bùng phát…

Thiếu lớp…

Để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu dạy và học trong năm học mới này, Sở Giáo dục và đào tạo đã tiếp tục xây dựng hoàn thiện các hạng mục ở các đơn vị trực thuộc như: THPT Phan Bội Châu, PTDTNT Tu Mơ Rông, PTDTNT Kon Plông; đối với các trường học thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý, tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và đào tạo cho các huyện, thành phố để tăng cường cơ sở vật chất trường học.

Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có 4.965 phòng học (bậc Mầm non có 1.189 phòng; Tiểu học 2.270 phòng; THCS 1.146 phòng và THPT 360 phòng); trong đó, có 2311 phòng học kiên cố, 2262 phòng học bán kiên cố và 392 phòng học tạm, mượn nhờ, xuống cấp. Với số phòng học trên cùng với dự tính theo kế hoạch trong năm học 2011-2012 toàn tỉnh có khoảng 134.800 học sinh theo học ở 5.410 lớp, nhóm trẻ thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập. Tuy nhiên, do số phòng bán kiên cố và tạm bợ, xuống cấp còn nhiều (chiếm 53,45%) nên trên thực tế chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới giáo dục và tổ chức dạy 2 buổi/ngày…

Ngay ở thành phố Kon Tum - địa phương được đánh giá có nhiều thuận lợi thì năm nay mặc dù đã đưa vào sử dụng mới 75 phòng học, 2 khu hiệu bộ, 3 bếp ăn 1 chiều, 10 phòng ở công vụ cho giáo viên, sửa chữa trường học và công trình phụ trợ cho 29 điểm trường thì vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu dạy 2 buổi/tuần. Theo ông Nguyễn Bình Dân - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Kon Tum, năm học này chỉ có khoảng 60% trường, lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (năm học trước 50%); đặc biệt ở các xã Đăk Năng, Ia Chim, Đăk Blà, Đăk Rơ War… việc tổ chức dạy 2buổi/ngày sẽ rất khó khăn. Để đảm bảo được chất lượng giáo dục, các trường buộc phải “chạy đua” tăng tiết, tăng buổi/tuần…

Giờ học ở điểm trường Hòa Bình (Trường tiểu học Võ Thị Sáu), xã Đăk Kan, NGọc Hồi.
Giờ học ở điểm trường Hòa Bình (Trường tiểu học Võ Thị Sáu), xã Đăk Kan, Ngọc Hồi.

Cùng với việc thiếu phòng học, thì trong năm học này xét về cơ cấu và số lượng giáo viên ở từng cấp học, môn học, từng đơn vị trường cụ thể thì vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và bất cập. Để giải quyết tình trạng này, hiện nay, Sở Giáo dục và đào tạo, các huyện, thành phố đã và đang điều chuyển, bố trí giáo viên giữa các đơn vị cho phù hợp. Đồng thời, Sở cũng đã phối hợp với Sở Nội vụ tuyển dụng 561 giáo viên, 131 nhân viên để bổ sung cho các cơ sở giáo dục.

Huy động học sinh đầu năm - khó khăn muôn thuở

Năm nào cũng vậy, cứ sau 3 tháng hè được nghỉ ngơi, việc huy động học sinh ra lớp đầu năm học, đặc biệt là học sinh DTTS luôn là nỗi lo đối với ngành Giáo dục. Chuẩn bị cho năm học mới này, UBND các huyện, thành phố có công văn chỉ đạo các địa phương, các ngành cùng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động, huy động học sinh ra lớp. Ngành Giáo dục cùng với việc thực hiện đảm bảo các chế độ chính sách (cấp phát sách vở và các chế độ kịp thời) còn có sự huy động, phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ các suất học bổng cho học sinh DTTS nghèo vượt khó học giỏi; quyên góp quần áo, sách vở đồ dùng học tập… trợ giúp cho học sinh vùng khó…

Bên cạnh đó, các trường tập trung phân công cán bộ giáo viên phụ trách các thôn làng phối hợp với thôn trưởng, già làng để tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh từng học sinh... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bình Dân, cũng phải mất 1-2 tuần việc sĩ số học sinh mới thật sự ổn định. Thời gian đầu, do dần quen với “thời gian biểu” được nghỉ ngơi trong 3 tháng hè cộng thêm sự thiếu ý thức, tinh thần học tập nên cứ vào đầu năm học, chuyện đi học muộn, bữa học bữa không của các em học sinh, đặc biệt các em ở vùng DTTS dường như trở thành... chuyện bình thường.

Ngay như Trường tiểu học Bế Văn Đàn (xã Đăk Bla) mặc dù cách trung tâm thành phố Kon Tum không xa nhưng để huy động học sinh ra lớp đầu năm học đảm bảo 100%, Ban giám hiệu cũng đã triển khai nhiều biện pháp. Thay vì chỉ tổ chức ôn tập, kiểm tra lại kiến thức cho 24 em học yếu của năm trước thì ngay từ ngày 20/7, nhà trường đã huy động toàn bộ học sinh ra lớp để ôn tập hè. Mặc dù được nhà trường, giáo viên đến từng gia đình vận động ra lớp và tình nguyện ôn tập, củng cố kiến thức nhưng trong thời gian trên số học sinh tham gia cũng chỉ đạt 60-70%.

Cách làm này nhà trường đã triển khai 2-3 năm nay và theo lý giải của bà Võ Thị Loan - Hiệu trưởng nhà trường là “khởi động sớm” để đến ngày tựu trường của toàn ngành các em sẽ không bị “quên” và có mặt đầy đủ hơn.

hoc sinh truong tieu hoc dak roomg- tumorong
Học sinh trường tiểu học Dăc Roong - Tumorong

Cũng như ở bậc Tiểu học thì ở bậc THCS khó khăn trong huy động học sinh ra lớp còn xuất phát từ việc có nhiều học sinh lớn tuổi trở thành lao động chính trong gia đình vẫn còn mải mê ở rẫy. Bởi vậy, hầu như đầu năm học mới nào cũng vậy, để các em đến lớp học đầy đủ, giáo viên được phân công phụ trách phải lặn lội tới nhà các em vận động, thuyết phục và ... chở đi học.

Một yếu tố phải kể đến nữa là do giao thông đi lại khó khăn. Ngay như ở trường tiểu học Bế Văn Đàn, theo thống kê hàng năm, số học sinh đi học thiếu chuyên cần lại tập trung chủ yếu ở làng Kon Ray - cách xa trường 4km và lại không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg. Với khoảng cách đó, lại phải đi bộ nên nhiều học sinh nghĩ, mới đầu năm chưa học gì nhiều, nghĩ ráng vài hôm cũng chẳng sao nên  việc huy động học sinh ra lớp đầu năm học trở thành vấn đề khó khăn muôn thuở…

Đối phó với bệnh TCM

Thời điểm tựu trường năm nay lại đúng vào lúc bệnh TCM bùng phát mạnh, đặc biệt khi ở tỉnh Kon tum đã có trường hợp bị tử vong nên các trường cùng với công tác chuẩn bị năm học mới lại “đau đầu” thêm với việc phòng chống dịch bệnh. Đối với các trường mầm non, tiểu học có học sinh bán trú thì công tác phòng dịch lại càng phải quan tâm hơn. Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Sở Giáo dục và đào tạo cũng đã có công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh TCM và yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp cấp bách.

Bởi vậy, như ở Trường mầm non Tuổi thơ (phường Quyết Thắng - TP Kon Tum), công tác vệ sinh trường lớp, đồ dùng học tập cho học sinh, chuẩn bị chu đáo cho bếp ăn.. là một trong những ưu tiên hàng đầu cuả nhà trường trước năm học mới này. Bà Nguyễn Thị Xuân Huệ - Phó Hiệu trưởng cho biết: Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhà trường phải tăng cường công tác vệ sinh phòng lớp và liên hệ với Trung tâm Y tế thành phố để được cung ứng thuốc sát khuẩn Cloramin B kịp thời.

Còn ở Trường mầm non THSP ngay từ ngày tựu trường (22/8), nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh biết bệnh TCM; phối hợp với cơ sở y tế ở địa phương có kế hoạch khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống; thực hiện nghiêm túc Quy định về hoạt động y tế trường học, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các cơ sở nội trú, bán trú, các bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục.

Theo bà Đỗ Thị Kim Anh - Hiệu trưởng nhà trường: Đến thời điểm này, nhà trường chưa có học sinh bị nhiễm bệnh nhưng không vì thế mà chủ quan. Chúng tôi ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và giữ gìn vệ sinh trường lớp, nếu khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương và Sở Giáo dục - đào tạo để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời.

                                                        Bài, ảnh: Nguyên Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ