Ngành game Việt vẫn có cơ hội kiếm tiền từ thế giới

Từ hiện tượng game di động Flappy Bird của chàng lập trình viên 29 tuổi Nguyễn Hà Đông làm mưa làm gió trên App Store, nhiều ý kiến cho rằng nên nhìn nhận game online là một ngành công nghiệp giải trí mà nếu làm thành công có thể mang đến siêu lợi nhuận.

Một trung tâm thiết kế và sản xuất game của Cty VNG
Một trung tâm thiết kế và sản xuất game của Cty VNG
Cơ hội luôn tồn tại...

Ông Lê Hoàng Sơn - CEO của SSGroup - cho rằng: “Cơ hội luôn mở ra đối với bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp làm game nào”. Theo ông, đội ngũ lập trình trong ngành game tại Việt Nam khá hùng hậu và giỏi nghề, bằng chứng là nhiều Cty của Nhật, Mỹ... đã đưa sản phẩm sang gia công tại Việt Nam.

Tuy nhiên cũng theo ông Sơn: “Mình code cho người ta nhưng chỉ theo từng công đoạn chứ chưa thể đảm nhận hết cả sản phẩm”.

Trong làng game Việt, những người làm tự do ở mức độ cá nhân như Nguyễn Hà Đông hay nhóm nhỏ dưới 10 người được cho rằng lên đến hàng ngàn người.

Tuy nhiên, cơ hội không phải đến với tất cả. Game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông không có gì mới, theo ông Sơn thậm chí game này làm lại từ những gì đã thành công của game Nintendo (Nhật Bản), song thành công được vì có tính năng, nội dung (game play) phù hợp với nhiều người chơi.

Còn theo ông Trang Lan Anh Phương - Phó giám đốc Cty CMN Online - dù game của Nguyễn Hà Đông không được quảng bá nhưng lại được lan truyền (Viral Marketing) hiệu quả trên các trang mạng xã hội góp phần mang đến thành công.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp chuyên phân phối game di động, ông Vũ Thanh Long - Phó giám đốc Cty ME Corp - phân tích: “Hiện thị trường game di động trong nước là “sân chơi” của các Cty game vừa và lớn, có thương hiệu, có cộng đồng và kênh quảng bá.

Trong khi đó các nhóm làm game nhỏ hay cá nhân như Nguyễn Hà Đông thời gian qua đã định hướng đưa sản phẩm lên các kho ứng dụng như App Store hay Google Play để bán ra thế giới. Đây là những kênh phân phối hiệu quả, mà nếu những game có chất lượng được người chơi thích thú, thì cơ hội thành công rất lớn”.

Dù thận trọng, nhưng ông Trang Lan Anh Phương cũng cho rằng, hiện tượng game Flappy Bird là “tín hiệu đáng mừng khi thị trường thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp game”. 

Một số Cty như VNG, VTC Online, Emobi Games... đã bán được game tự sản xuất ra nước ngoài, song tạo nên hiện tượng đình đám mang tính toàn cầu thì mới chỉ có Flappy Bird là trường hợp đầu tiên.     

Cái thiếu và yếu cũng đang tồn tại

Đề cập đến yếu tố yếu kém nhất của ngành game Việt hiện nay là gì, thì hầu hết những người làm game đều nhìn nhận rằng: Đội ngũ thiết kế game, từ thiết kế các tính năng, câu chuyện game và cấu trúc nội dung game cho đến đồ họa...

Ông Lê Hoàng Sơn cho biết: “Cty Kingsoft của Trung Quốc thành công lớn được trong ngành game cũng nhờ vào nhân sự thiết kế game của họ nằm trong tốp 10 thế giới”. 

Đây là điểm yếu chung của nhiều quốc gia bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp game online. Tuy nhiên ở Việt Nam, một trong những vấn đề khá “nhức nhối và nhạy cảm” là nằm ở nhận thức.

Trong dư luận cũng như trong tư duy quản lý, game online tại Việt Nam hiện vẫn bị xếp vào loại sản phẩm giải trí gây nghiện, thiên về tiêu cực hơn là tích cực, chứ chưa được nhìn nhận là một ngành công nghiệp có cơ hội kiếm tiền và mang đến siêu lợi nhuận.

Ông Sơn cho rằng, điển hình như Trung Quốc, trong 10 năm qua, thời kỳ đầu họ phải nhập khẩu game từ nhiều nước, nhưng khi Chính phủ nhìn nhận đây là ngành hái ra tiền thì ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giúp cho quốc gia này xuất khẩu game ngược về các nước, và nay kiếm hàng tỉ USD mỗi năm từ xuất khẩu game.

Các nhóm làm game nhỏ tại Việt Nam hiện chủ yếu làm game di động rồi đưa lên bán trên các kho ứng dụng. Ông Sơn cho biết, đa phần những nhóm này thiếu về tài chính, không đủ để nuôi lâu dài cho đến khi tạo được sản phẩm thành công.

Thế nhưng theo ông Vũ Thanh Long, một khi ngành game được nhìn nhận là một ngành công nghiệp giải trí thực sự với các chính sách hỗ trợ tốt, thì tất yếu sẽ kéo theo sự đầu tư về đào tạo đội ngũ cũng như tài chính. Trên thế giới, ngành game đã bắt đầu vượt các ngành điện ảnh và âm nhạc về doanh số và lợi nhuận.

Ông Phương bày tỏ: “Tôi hy vọng từ thành công của Flappy Bird, người dùng và cơ quan quản lý game tại Việt Nam có cái nhìn cởi mở hơn đối với ngành này, và ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để ngành công nghiệp game Việt Nam phát triển”.

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ