Ngành dệt may, hứa hẹn một năm vàng xuất khẩu. (Ảnh minh họa, internet) |
Bộ Công Thương dự báo, sự cải thiện sức mua của các thị trường chính như, EU và Nhật Bản, đặc biệt là thị trường Mỹ sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam có thể đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD trong năm nay.
Dệt may tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu trong quý I, gần 2,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là ngành sản xuất ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá.
Đầu năm 2010, các nước vốn là thị trường lớn của ngành dệt may, chủ lực là Mỹ, EU đã có tín hiệu phục hồi suy thoái kinh tế, sức mua đã tăng trở lại. Do vậy đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trong quý 1 và quý 2 đều tăng mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2010, khác hẳn với cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng hồi quý 1 và quý 2/2009.
Đơn hàng xuất khẩu nhiều, nhưng hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang thiếu lao động để đảm bao tiến độ đơn hàng. (Ảnh minh họa, internet) |
Nếu như năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng trưởng âm khoảng 4%, thì sang quý 1/2010, con số này đã tăng khoảng 15%. Hay tại thị trường châu Âu, các con số tương tự cũng là âm 5% và dương khoảng 6%.
Tình hình trên đây được dự báo khả quan hơn trong quý 2.
Đáng chú ý, mặt hàng sợi có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, các nhà máy sợi đều có khả năng xuất khẩu. Hiệp hội dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất sợi cân đối giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa để ổn định nguồn nguyên liệu sợi cho sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cảnh báo vấn đề rào cản kỹ thuật đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ theo Luật Bảo vệ môi trường người tiêu dùng của Mỹ là không nhỏ. Theo đó, phía Mỹ yêu cầu có giấy kiểm nghiệm của bên thứ ba xác nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Ở trong nước, ngành dệt may còn đang phải đối mặt với những khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là ở các thành phố lớn. Bởi vậy, chiến lược di dời cơ sở sản xuất dệt may về các vùng nông thôn được coi là cần thiết để giải bài toán thiếu hụt lao động.
Giang Đông