Trong văn bản này, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố đề ra giải pháp cụ thể ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở GDMN, thực hiện các quy định về quản lý GDMN; hướng đẫn các cơ sở GDMN hoạt động theo quy định, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở GDMN;
Có biện pháp xử phạt nghiêm đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập đã được cấp phép nhưng có số lượng trẻ vượt quá quy định, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động không phép và công khai trước công luận...
Với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các phòng GD&ĐT định kỳ tổ chức giao ban với Ban giám hiệu các trường mầm non, chủ nhóm, giáo viên, nhân viên về việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong suốt thời gian trẻ học tại cơ sở GDMN, nếu cơ sở GDMN nào để xảy ra tình trạng bạo hành, sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Theo thẩm quyền phân cấp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, chấn chỉnh, giám sát ngăn ngừa bạo hành trẻ trong các GDMN. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đảm bảo an toàn cho trẻ, chú trọng kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã được cấp phép như có số lượng trẻ vượt quá quy định và cơ sở giáo dục mầm non công lập hoạt động không phép.
Kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn, kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm quy chế, quy định (về số lượng trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình GDMN...).